Breaking News

Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh: "Khi mất mẹ, tôi thấy dường như mình đã mất hết"

Lưu Tuấn Anh là con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh và người chồng trước của bà - nghệ sĩ Violin Lưu Tuấn. Anh sinh năm 1966, lớn tuổi nhất trong ba người con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh.

Đến với buổi họp báo khởi công đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" nhân kỷ niệm 80 ngày sinh của cố thi sĩ Xuân Quỳnh, anh Lưu Tuấn Anh đã có những chia sẻ đầy cảm xúc và chân thành với PV Dân Việt.

Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh: "Khi mất mẹ, tôi thấy dường như mình đã mất hết" - Ảnh 1.

Anh Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh. (Ảnh: FBNV)

"Bố tôi rất thương mẹ và yêu quý cả con riêng của bà"

Mẹ anh – nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã ra đi được hơn 30 năm. Khi nhớ về bà, trong ký ức anh đọng lại điều gì?

- Với tôi, mẹ là tất cả nên mỗi khi nhớ về mẹ là nhớ rất nhiều kỷ niệm. Khi tôi có mẹ tôi cảm giác như cái gì mình cũng có, đến khi mất mẹ tôi thấy dường như mình đã mất hết. 

Nói về bà, có rất nhiều ký ức đẹp. Mẹ tôi là một người rất thương con, yêu con, bà vui tính nên các con luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Hoàn cảnh khi ấy rất khó khăn thiếu thốn, nhưng với tính cách hài hước của mẹ, anh em chúng tôi lúc nào cũng quây quần ấm áp. Những lần bà mua đồ ăn, cho chúng tôi đi chơi, cắt tóc, vá quần áo đều vẫn còn trong hồi ức. Dù bà đã đi xa nhưng giờ đây, trong cuộc sống,  tôi vẫn luôn thấy kỷ niệm và bóng dáng của mẹ.

Mẹ tôi không phải là người khéo léo lắm trong việc nữ công gia chánh. Bà vá quần áo thì miếng vá không được phẳng phiu như những người khéo tay. Hay khi nấu cơm, bà thái thịt cũng chưa được đẹp. Bù lại, bà lại rất thương và chiều các con. Anh em tôi cũng có nhiều lần được đi ăn phở ở ngoài hàng và nhiều khi bà còn nấu phở bò, phở thịt lợn cho anh em tôi. Bà nấu phở rất ngon, anh em tôi ăn no rồi nằm kềnh ra vui đùa. 

Tôi luôn thấy những món mẹ nấu thật là tuyệt vời, ngon hơn nhà hàng. Không biết có phải thực tế là thế không hay là mình yêu mẹ quá nên mình nghĩ như thế. 

Được biết, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh còn viết riêng cho anh một cuốn nhật ký trong thời thơ ấu. Khi đọc cuốn nhật ký đó, cảm xúc của anh như thế nào?

- Đúng, bà đã viết riêng cho tôi một cuốn nhật ký và bà có nhiều cuốn nhật ký thì trong đó, cuốn nào cũng nói đến tôi. Với bà, các con chiếm một khoảng rất lớn trong suy nghĩ và tình cảm. Nhưng mà thú thật tôi cũng ít đọc, đọc lại thấy buồn lại thương bà nên tôi không đọc được lâu.

Bố mẹ anh chia tay rất sớm, có bao giờ anh hỏi mẹ vì sao?

- Thật tình, lúc bố mẹ chia tay tôi còn nhỏ, chưa hiểu chuyện. Khi thấy bố mẹ không sống cùng nhau thì tôi phải chạy đi chạy lại giữa hai nhà. Ban đầu tôi thấy hơi kì kì, nhưng cũng không đặt câu hỏi nào cả. Chỉ đến khi lên 9 hay 10 tuổi tôi mới hỏi mẹ tôi rằng: "Tại sao mẹ không sống với bố?".

Ngày mẹ không sống với bố tôi, dư luận xã hội đã chỉ trích mẹ nhiều nhưng tôi cũng không nghe dư luận. Khi được nghe tôi hỏi, bà chỉ nói: "Bố thật ra là người rất tốt, nhưng vẫn có những điểm không hợp nhau, bây giờ giải thích có thể con chưa hiểu nhưng lớn lên con sẽ hiểu".

Khi đó, có thể tôi chưa hiểu hết, nhưng tôi tin bà và cũng không áy náy gì cả. Càng lớn lên tôi càng thấy những điều bà nói là đúng. Càng lớn lên tôi càng chiêm nghiệm ra rằng những khác biệt trong tính cách, quan điểm sống là dẫn tới sự tan vỡ cũng là điều bình thường, chứ không phải lỗi của ai cả.

Tôi thương cả bố cả mẹ và cảm nhận được cả bố và mẹ đều rất thương tôi. Cả hai người đều chia tay trong văn minh, bố tôi không bao giờ nói xấu mẹ, còn mẹ tôi luôn nói bố là người rất tốt, chỉ có khác biệt về tính cách và lối sống. Sau này, mẹ tôi có con với dượng Vũ (nhà biên kịch Lưu Quang Vũ - PV) là bé Quỳnh Thơ thì bố tôi yêu Quỳnh Thơ chẳng khác gì tôi cả. Bố tôi vẫn rất yêu thương mẹ nên cũng yêu quý được cả con riêng của bà nữa.

Tôi phải cảm ơn bố mẹ vì khi chia tay không để lại những điều tiêu cực, không làm tổn thương con. 

Tôi nhớ khi ấy, mẹ tôi còn nói với tôi rằng: "Bây giờ, con còn phát triển, nếu học hành không đến nơi đến chốn thì là lỗi do mẹ, vì mẹ không sống với bố con. Người đàn ông lại làm thay việc người phụ nữ thì khó có thể đảm đương được. Bố có chăm con thì không thể bằng gia đình có cả bố cả mẹ, bởi vậy, sau này con có gì khiếm khuyết thì chắc chắn có lỗi của mẹ". Cũng bởi vậy, mẹ tôi lo cho bố và đã đi tìm một số bạn bè nữ giới thiệu cho ông. Thế nhưng bố tôi đã quyết định không lập gia đình nữa.

Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh: "Khi mất mẹ, tôi thấy dường như mình đã mất hết" - Ảnh 2.

Nhà thơ Xuân Quỳnh khi còn sinh thời và con trai Lưu Tuấn Anh. (Ảnh: FBNV)

"Trong ký ức của tôi, nụ cười của bà là mãi mãi"

Anh cảm nhận thế nào về đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc anh" - chương trình nghệ thuật dành cho mẹ mình?

- Thú thực, ban đầu tôi chỉ nghĩ đó là một đêm biểu diễn nghệ thuật bình thường, tới bây giờ tôi mới biết được quy mô của sự kiện, với hàng loạt tên tuổi lớn trong nghệ thuật như anh Quốc Trung, chị Thanh Lam, anh Trần Lực, tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. Tôi rất trân trọng tình cảm cũng như sự đóng góp của các nghệ sĩ khi tới với chương trình này. Tôi tin họ sẽ tạo ra những dấu ấn đặc biệt.

Sự kiện gợi tôi nhớ tới kỷ niệm gia đình, tiếp theo đó là khát vọng, triết lý mà mẹ tôi để lại. Bài thơ "Hoa cúc xanh" - tên của đêm thơ - nhạc - kịch này cũng mang tính triết lý đi tìm những điều tốt đẹp, tốt đẹp tới mức không có thật. Nó hướng ta tới một cuộc sống nhân văn hơn, đàng hoàng hơn như cách anh Đỗ Kỷ chia sẻ trong buổi họp báo.

Trước đêm nghệ thuật, anh có chia sẻ gì rất riêng về mẹ gửi tới khán giả?

- Đến tháng 10 này là kỷ niệm 80 năm ngày sinh của mẹ tôi, và nếu mẹ tôi còn sống thì bà cũng đã cao tuổi, nhưng trong ký ức tôi thì mẹ không bao giờ già. Mẹ tôi mất khi mẹ chưa tới 50 tuổi. Trong ký ức của tôi, bà là người có nụ cười rất tươi, rất trẻ trung và ký ức đó không bao giờ thay đổi. 

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của thi sĩ Xuân Quỳnh, gia đình Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ kết hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức đêm thơ – nhạc – kịch mang tên "Hoa cúc xanh" diễn ra vào 20h ngày 5 và 6/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tiêu đề của đêm thơ - nhạc - kịch được lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên Hoa cúc xanh của thi sĩ Xuân Quỳnh và vở kịch nổi tiếng Hoa cúc xanh trên đầm lầy của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ.

Chương trình do đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp làm tổng đạo diễn; Nhạc sĩ Quốc Trung – Giám đốc âm nhạc; NSƯT Trần Lực – Đạo diễn Sân khấu; Họa sĩ Hà Nguyên Long – Thiết kế sân khấu… Đặc biệt, chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ tên tuổi tham gia biểu diễn như: NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Minh Trang, diva Thanh Lam, ca sĩ Bùi Lan Hương …

Không có nhận xét nào