Kể chuyện làng: Dù đi xa luôn nhớ đầm sen ấy...
Đầm sen được người dân địa phương trồng sen từ xa xưa, tạo nên vẻ đẹp tự nhiên, thanh khiết và còn gắn với ngôi đền Đức Hoàng linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ.
Trong chuỗi di tích, danh lam thắng cảnh ở Nghệ An, nổi tiếng có đền Đức Hoàng, Phúc Thành, Yên Thành (Nghệ An) và đầm sen làng Diệu Ốc là một trong những điểm thu hút khách đông nhất từ xưa đến nay.
Trên đường đời mải miết mưu sinh, đến hôm nay tôi bất chợt gặp một mùi hương kỳ lạ. Hương sen nồng nàn hòa quyện với mùi hương trầm thoang thoảng, đến nỗi không thể phân biệt được đâu là mùi sen và đâu là mùi hương trầm nữa.
Đầm sen dưới bàu Ác (làng Diệu Ốc) sen đã nở rộ, chen chúc trong đám lá sen to là vô số búp sen hồng đang ôm lấy nhụy. Búp sen to khum khum như bàn tay cố giữ lấy hương thơm tinh khiết. Hương sen bất chấp cái nắng oi ả của mùa hè vẫn tỏa hương thơm nồng nàn.
Con đò nan của người hái bông sen lướt trên mặt nước, rẽ các đám lá ra thành một lối rẽ. Hương sen từ dưới mặt nước được dịp tranh nhau ngoi lên hớn hở bay vút lên trên mặt nước, lan xa vào tận cánh đồng phía bên kia rừng cây um tùm của ngôi đền Đức Hoàng đang ngày đêm nghi ngút khói trầm nhang.
Hai bên bờ bàu Ác, làng Diệu Ốc trù phú, người dân đã đến định cư từ lâu đời. Xa xa là cánh đồng lúa trĩu hạt đã ngả màu vàng chờ ngày thu hoạch. Đức tính siêng năng cần cù, chịu khó của người nông dân nơi đây đã làm nên mùa màng bội thu, có câu ca nổi tiếng từ ngàn xưa "Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống", nghĩa là: Nghệ An thì huyện Yên Thành là nhiều lúa, Thanh Hóa thì huyện Nông Cống là nhiều lúa.
Bởi thế, hương lúa, hương sen, hương trầm tạo nên một mùi hương đặc trưng của một miền quê xứ Nghệ đầy gió Lào và giông bão.
Dọc hai bên đường là đến đền Đức Hoàng, người dân bày bán bông sen cho người hành hương vào đền thắp hương. Những búp sen to, cánh màu hồng đang ôm chặt lấy nhau, trên những cái cuống dài được cắm trong các xô nước. Bên cạnh là những bó lá sen non dùng để bọc búp sen khi có người mua đem vào chùa dâng lễ. Khách đi lễ người mua năm bảy búp sen, kèm với bó hương trầm đem vào bày lên trên bệ thờ bỗng cảm thấy lòng mình thanh thản lạ.
Bàu sen trước cửa đền và ngôi đền Đức Hoàng mang trong mình biết bao nhiêu câu chuyện huyền thoại, nhuốm màu huyền bí. Quanh năm, du khách thập phương khắp mọi miền đổ về đền Đức Hoàng làm lễ thắp hương dâng lễ, cầu yên cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu cho tai qua nạn khỏi.
Khách đến thăm đền Đức Hoàng vào mùa sen nở rộ, ngoài lễ vật tùy tâm đều không thể thiếu một bó hoa sen hay một bó gương sen đã chắc hạt dâng lên thần linh.
Từ ngàn xưa, mùi thơm của hoa sen đã hòa quyện vào từng lá cây ngọn cỏ, từng viên ngói của ngôi đền Đức Hoàng linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ. Vào đền làm lễ xong, ra về, khách hành hương đều mang theo một mùi thơm phảng phất trong quần áo, trong tâm trí của họ. Hương thơm len vào trong giấc ngủ, xuất hiện trong những giấc mơ để tâm an hơn trong cuộc sống.
Kỳ lạ thay đầm sen nằm lọt giữa hai miền tâm linh rõ rệt. Nhìn về hướng Nam, bên phải là đền Đức Hoàng, thờ Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn, người đã có công giúp các vua Trần chống quân Mông Nguyên xâm lược nước ta. Phía bên kia, đầm sen, phía trái là nhà thờ Thiên Chúa giáo. Tháp chuông nhà thờ in bóng xuống.
Mùa thu, những cơn gió dịu nhẹ thổi từ mặt đầm sen mang lên một mùi thơm tinh khiết, mùi thơm như đã được chưng cất, gột rửa nay chỉ còn lại cái tinh túy của hương sen. Vào viếng đền Đức Hoàng vào những ngày này, tâm hồn ta lắng xuống, ngắm nhìn những chiếc lá vàng đang xoay tròn trong làn gió dịu nhẹ, để trở về đất mẹ bỗng thấy tâm thanh thản trước sự uy linh tĩnh mịch của ngôi đền.
Tiếng chuông nhà thờ quyện vào hương khói của ngôi đền, quyện vào hương sen tạo nên một màu sắc và âm hưởng đặc biệt. Người dân xung quanh đi bất cứ nơi đâu dù ở trong nước hay nước ngoài cũng không thể nhầm lẫn được âm thanh và hương vị quê mình.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Không có nhận xét nào