Breaking News

Kể chuyện làng: Nhớ những ngày cùng tía má đi "xổ vuông đổ đụt" ở đất mũi Cà Mau

Gần mười lăm năm trước, tía má tôi có một miếng vuông ở Cà Mau. Lúc đó, tôi mới bắt đầu học cấp hai. Mỗi dịp nghỉ hè, bản thân lại háo hức theo tía má, anh chị xuống vuông tôm chơi, dù phải ngồi xuồng chèo cả ngày mới tới. Nhà tôi ở cách vuông tôm khoảng 70km đường thủy nên tía tôi sắm ghe lớn làm phương tiện đi xổ vuông tôm, kết hợp chuyên chở một số hàng hóa như dây thuốc cá, khô cá… để tranh thủ bán kiếm thêm thu nhập mỗi lượt đi, về. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhưng nhiều kí ức thật đẹp khó có thể phôi pha trong tâm trí tôi.

Kể chuyện làng: Nhớ những ngày cùng tía má đi "xổ vuông đổ đụt" ở đất mũi Cà Mau - Ảnh 1.

Ghe xuồng chở trái cây tấp nập. Ảnh: Nguyễn Tú Thanh

Bản tính trẻ con ham chơi nên chúng tôi háo hức lắm, cứ trông cho gà vừa gáy sáng là ghe sẽ xuất phát. Men theo con sông nhỏ nơi tôi sống chạy đến cống Bờ Đập, tía má tôi phải dừng ghe leo lên cầu kéo để được ra sông lớn Gành Hào, rồi tiếp tục chạy về hướng Năm Căn ra sông Cửa Lớn, len lỏi theo hàng trăm dòng kênh rạch chi chít như mạng nhện.

Tôi nhớ những hôm trên đường đang đi thì giữa giờ cơm trưa, tía tôi ghé vội qua hàng nước bên sông, cắm sào cột chặt dây ghe rồi tranh thủ cho cả nhà nghỉ trưa. Trong lúc tía ngồi tám chuyện với bác hàng nước, tranh thủ bán thêm vài con khô, ít lọ mắm cho những người chung quanh thì má tôi vo gạo nấu cơm trên chiếc lò than, tiện tay ngắt thêm vài nhánh bông điên điển, bẻ mấy cành bạc hà để dành nấu canh chua.

Kể chuyện làng: Nhớ những ngày cùng tía má đi "xổ vuông đổ đụt" ở đất mũi Cà Mau - Ảnh 2.

Tôm Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Tú Thanh

Hai chị em tôi tranh thủ ra trước mũi ghe, nằm vắt chân nhìn trời mây sông nước, thi nhau kể đủ chuyện trên trời dưới đất. Tôi mê nghe giọng hò ngọt ngào cô Hai, thím Út hay chèo xuồng đi bán khô hoặc đồ tươi trên sông giữa trời trưa lộng gió phương Nam. Thi thoảng, thấy đôi ba chiếc xuồng chở trái cây, hoa cảnh xuôi dòng đi qua, hai chị em tôi lại đưa tay vẫy chào. Mấy cô chú anh chị thấy hai đứa trẻ tinh nghịch cũng đâm ra quý mến. Lâu lâu, lại dừng ghe ghé cho tía má tôi ít trái ổi, dưa hấu… ăn lấy thảo. Tía má tôi nhận riết thấy ngại nên hay chuẩn bị ít bánh tét, bánh ít… để dành biếu lại. Sự hào sảng và xởi lởi của người dân miền sông nước khiến bất kỳ ai đã từng sống hoặc gắn bó với vùng đất này đều cảm thấy yêu thương và gắn kết. Để rồi đâu đó giữa mạch đời hối hả chốn phố thị, tôi vẫn thường giật mình nhớ tiếng xuồng ghe tấp nập và giọng hò vang vọng suốt một khoảng sông dài lấp lánh nắng vàng.

Mãi cho đến khi gần chiều, chiếc ghe của tía cũng tới nơi, cập vội cho bến vuông nhà. Đang con nước lớn, mực nước gần chạm sàn cầu thang, tía tôi bước qua bên hông nhà, tay nắm thanh quay làm bằng thân cây đước bắc ngang qua hai thành cống, quay miệng cống lên, lấy nước vào vuông tôm, chuẩn bị cho đêm xổ vuông. Cơm nước xong xuôi, chờ đến độ bảy giờ tối, khi gió ngoài sông bắt đầu thổi mạnh, tôi theo tía ra cống vuông. Tía đặt miếng lú xuống cống, cột chặt ba nuột, rồi xả nước từ vuông ra sông.

Theo kinh nghiệm của tía tôi thì chỉ khoảng 30 phút, cá tôm từ vuông sẽ lũ lượt kéo về. Tía tôi và chú Hai, người coi phụ vuông tôm cho gia đình tôi, ra sức kéo lên đổ gần đầy cần xé nào tôm, cua, mực, cá kèo… búng lách tách, nhảy loạn xạ. Cả hai người đàn ông khệ nệ bưng giỏ cần xé lớn ấy vào nhà. Phía sàn nhà, dưới ánh đèn măng sông nhập nhoạng, má tôi đã trải sẵn tấm đệm.

Kể chuyện làng: Nhớ những ngày cùng tía má đi "xổ vuông đổ đụt" ở đất mũi Cà Mau - Ảnh 3.

Vuông tôm. Ảnh: Nguyễn Tú Thanh

Tôm xổ ra sạch như gạo cội, chỉ cần chút ít lá đước mới rụng, cuống còn đỏ tươi. Cả nhà chúng tôi quây quần quanh mớ tôm, cố gắng phân loại thật tỉ mỉ từng loại tôm. Thông thường tôm đất, tôm bạc là loại bán được giá nhất, rồi đến những con tôm thẻ, có cái đuôi đỏ chót rất đặc trưng cũng chiếm số lượng lớn. Thú vui lớn nhất khi đó của tôi là đứng canh chừng, mỗi khi tía và chú hai đổ cần xé, ngoài đám tôm búng tanh tách là những con cua kéo nhau chạy tán loạn. Lúc đó, tôi sẽ dùng thanh củi đước to tầm cái cán búa để bắt những con cua lớn hoặc cua gạch son. Nếu cua chạy quá nhanh thì cứ chặn ngang cho chúng lật ngang rồi bắt. Mấy con cua nhỏ thì mặc kệ cho chúng chạy đâu thì chạy. Mà đâu chỉ riêng tôi, cả mấy con mèo ú na ú nần tía tôi nuôi cũng tranh thủ chờ xơi những con cá vô tình rơi xuống.

Một thứ quan trọng không thể thiếu ở xứ rừng thời điểm khó khăn đó là bếp un khói bằng xơ dừa khô hoặc gốc củi mục do má tôi nhặt nhạnh từ sớm rồi quạt cho khói tỏa khắp nơi để xua đám muỗi. Cũng bởi muỗi là đặc sản xứ Cà Mau nên má tôi hay cẩn thận phòng ngừa cho đám trẻ con. Vậy mà lũ trẻ như chúng tôi cứ mê mải lựa tôm, thấy tay chân mình bị muỗi đốt cũng tặc lưỡi mặc kệ. Niềm vui lớn nhất của gia đình tôi khi đó đơn thuần là kiếm được chút tiền sau mùa "xổ vuông, đổ lụt" để mua thêm cho chị em tôi một tấm áo mới hay mấy cây bút máy thơm mùi mực để dành đến trường vào năm sau.

Thoáng cái, đã nhiều năm trôi qua, tía má tôi giờ đã già, con cái cũng lên thành phố lập nghiệp. Nhiều lần, tôi về làng cũ, ngỏ ý muốn đón tía má lên Sài Gòn với mình, đều nhận được cái lắc đầu nhè nhẹ. Tía tôi hay nói: "Thôi con. Tía muốn ở lại làng mình. Cái xứ mặn này ngó buồn mà nhiều tình nhiều nghĩa. Tía hứa chỉ đi phụ người ta xổ vuông mấy lần trong năm thôi. Tại tía thật lòng nhớ cái vuông tôi nhà mình hồi xưa". Nghe câu trả lời mà lòng tôi nao nao nhớ những ngày xưa cũ, thấy lòng mình hóa trẻ thơ, khi hân hoan giữa sông nước "gió lộng tứ bề" cùng tía má.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Không có nhận xét nào