Cô gái Mông trong phim Việt Nam tranh giải Oscar rơi nước mắt kể chuyện thoát khỏi tục "kéo vợ"
Di cùng bà, mẹ và đạo diễn Hà Lệ Diễm - phim "Những đứa trẻ trong sương" - bộ phim lọt top 15 tranh giải Oscar 95. Clip: Hà Thúy Phương
Di sống trong một ngôi làng được sương mù bao phủ quanh năm ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Em thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số Mông, nơi mà phụ nữ kết hôn khi còn rất trẻ, do phải chịu tục lệ truyền thống "kéo vợ" gây tranh cãi.
Khi bước vào tuổi dậy thì, tính cách của Di thay đổi "chóng mặt". Cô gái nhỏ vô tư trở nên bốc đồng, nhạy cảm và thường xuyên xảy ra xung đột với mẹ - người đang cố gắng giữ em tránh xa những mối quan hệ liều lĩnh mà em chưa đủ trưởng thành để xử lý.
Vào một buổi tối của những ngày đầu năm mới, bố mẹ Di trở về nhà, lúc này đã trở nên vắng lặng hơn mọi ngày: Di đã biến mất. Di đã đồng ý lên xe về nhà bạn trai tên Vàng. Một cách chưa suy nghĩ chín chắn ở lứa tuổi vị thành niên, Di đã vướng vào tục "kéo vợ" không lường trước.
Kể lại câu chuyện của mình khi được nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm làm phim, Di nói rằng, thời điểm cô lên xe của bạn trai cô chỉ nghĩ về nhà bạn trai chơi. Tuy nhiên, khi đến nhà rồi thấy rất đông người ở đó và mọi người cho rằng Di đồng ý cho bạn trai "kéo vợ".
Ở nhà bạn trai 2 ngày, Di luôn theo sát em gái của bạn trai bằng cách buộc dây thắt lưng của mình vào thắt lưng của cô bé. Trong phim, mẹ của Di cũng gọi điện dặn dò con gái rằng nếu không đồng ý lấy bạn trai đó thì không được ngủ cùng phòng, cố gắng thức lâu nhất có thể và luôn đi cùng người nào là con gái trong nhà.
Khi được hỏi về việc ở nhà bạn trai 2 ngày theo tục "kéo vợ", Di có bị nhà trai ép buộc gì không? Di kể lại rằng, nhà bạn trai có chuốc rượu Di nhưng do Di không chịu được mùi rượu nên không uống. Còn chị gái ruột của Di, người khi đó cũng vừa lấy chồng theo tục "kéo vợ" lúc đang học lớp 10 đã uống rượu và sáng hôm sau tỉnh dậy thì "mọi chuyện đã rồi" vì đã ngủ cùng phòng bạn trai. Đây là chuyện thường gặp khi các cô gái bị chuốc rượu, khi uống say rồi không còn phản ứng và sẽ bị đưa vào phòng ngủ chung với bạn trai. Bởi vậy, nhiều cô gái Mông đã lấy chồng mà không phải là người mình yêu.
Di còn kể rằng mình đã bị lừa khi cô đã thoát khỏi nhà bạn trai và đang đi bộ trên đường để về nhà thì gặp một anh hỏi thăm cô sao lại ở ngoài đường. Di kể đang bị lừa "kéo vợ" thì người đó nói sẽ đèo Di về nhà. Tuy nhiên, người đó lại đưa Di quay ngược về nhà trai vì người đó lại là bạn học của anh chàng đã "kéo vợ" với Di. Sau đó, Di không còn tin ai ngoài cô giáo ở trường và đạo diễn Hà Lệ Diễm.
Di cho biết, theo tục lệ của người Mông, trai gái có yêu nhau thì người con gái cũng không được theo không người con trai vì như vậy sẽ bị coi là "tham trai" và cô gái đó không có giá trị. Khi tự đi theo người con trai, nếu sau này cuộc sống khó khăn, con gái muốn về nhà bố mẹ đẻ thì sẽ không được bố mẹ giúp đỡ.
Dù 2 người trẻ thích nhau nhưng theo tục của người Mông người con gái cũng nên giả vờ để mình bị kéo, để người con trai và nhà trai phải đến nhà kéo đi, khó khăn để có được mình thì cô gái đó mới giá trị. Thậm chí, cô gái đó dù có "ưng trong bụng" cũng phải "kêu như một con lợn" khi bị kéo ở ngoài cửa nhà để cho hàng xóm biết.
Khi bị kéo, bố mẹ cô gái không được ngăn cản, vì theo tục lệ của người Mông, như vậy là bố mẹ cản trở trai gái tự do yêu đương. Nếu thực sự không muốn bị kéo, chỉ có cô gái ra quyết định và nói rõ với người con trai điều đó để người con trai chấp nhận.
Theo lời kể của Di, bạn của Di nhiều năm rồi không dám đi chơi Tết vì sợ bị "kéo vợ". Thậm chí, có một người bạn của Di chỉ ở nhà không đi chơi Tết vẫn bị nhà trai đến tận nhà kéo về.
Cô gái không đồng ý bị kéo vì người con trai là anh họ của cô, được đi học nên cô biết không được kết hôn và có con với người cận huyết thống. Tuy nhiên, chàng trai này vẫn thích cô gái và cùng cả nhà kéo cô về. Cô gái tuy vậy rất tỉnh táo. Cô vẫn ở nhà bạn trai một tháng, vẫn nấu ăn cho mọi người nhưng nhân lúc mọi người sơ suất cô trốn được về nhà. Chính Di cũng tò mò không hiểu tại sao người bạn trai đó dù đã học đại học, hiểu biết nhưng vẫn muốn "kéo vợ" là em họ của mình.
Sau khi thoát khỏi tục "kéo vợ", Má Thị Di tiếp tục đi học. Cô kể rằng mình đã tìm được tình yêu với người chồng hiện tại và không theo tục "kéo vợ". Hai người gặp nhau, có cảm tình, nói chuyện rồi liên lạc với nhau sau 3 tháng thì Di tự theo bạn trai về nhà sống với nhà trai mà không bị kéo. Thời gian đó, bố mẹ Di rất buồn. Dù nhà chồng chỉ cách nhà Di 2km nhưng Di không dám về nhà bố mẹ. Theo tục lệ của người Mông, con gái tự đi theo nhà trai không kéo vợ sẽ bị bố mẹ coi như người ngoài.
Nhắc đến chuyện này, Di rơi nước mắt, nghẹn lời kể lại rằng 1 năm sau khi lấy chồng, cô cũng không dám về vì sợ cảnh bị cả nhà coi người người xa lạ. Đến khi sinh con xong, Di mới dám về thăm bố mẹ. Hiện tại, bố mẹ Di cũng đã thay đổi suy nghĩ, coi như đó là quyết định của đôi trẻ, miễn hai con hạnh phúc.
Bộ phim Những đứa trẻ trong sương không nhằm đánh giá truyền thống. Bộ phim là tiếng nói của một cô gái nhỏ lớn lên và tìm cách "thoả thuận" với những nét văn hoá truyền thống để tìm ra con đường đi cho bản thân trong sự tôn trọng và thấu hiểu con người và giá trị truyền thống xung quanh mình. Những nhân vật trong phim rất trân trọng truyền thống của dân tộc họ. Mẹ của Di nói rằng, nếu bà ra đường không mặc trong phục của người Mông thì sẽ thấy khó chịu.
Di tâm sự, nếu có thể thì cô không muốn những cô gái người Mông phải chịu tục lệ "kéo vợ" nữa. Các cô gái nên có quyền tự chủ để tìm được tình yêu của mình từ rất nhiều cơ hội trong cuộc sống mà không phải chịu một áp lực bên ngoài nào.
Tục "kéo vợ" của người Mông từ lâu được xem như một truyền thống tốt đẹp mà họ vẫn giữ gìn cho đến bây giờ. Trên thực tế, ngày càng có nhiều mối lo xung quanh tập tục này. Các ngôi làng người Mông cách biên giới chỉ khoảng 2 tiếng chạy xe máy và hầu hết các gia đình Mông đều có người liên đới đến việc lừa bán, bắt cóc hoặc hãm hiếp thông qua việc "kéo vợ". Trẻ em gái Mông lớn lên với bạo lực vô hình mà có thể mất đi tuổi thơ của mình.
Hiện tại, kết hôn sớm và kéo vợ đã dần biến mất trong các cộng đồng người Mông ở nước ngoài. Việt Nam đang dành rất nhiều tâm huyết để tuyên truyền, thuyết phục, thậm chí dùng đến pháp luật để can thiệp nhằm hạn chế tập tục này.
Không có nhận xét nào