Hình ảnh người phụ nữ trong mắt các nam đạo diễn Việt có gì đặc biệt?
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn – Khai thác hình ảnh phụ nữ với nỗi đau tận cùng
Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn là gương mặt gạo cội không còn xa lạ với điện ảnh Việt, ông là nghệ sĩ có thâm niên với những năm tháng hoạt động bền bỉ. Tính đến nay, ông đã có hơn 37 năm làm diễn viên và hơn 24 năm làm đạo diễn. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã để lại 80 phim truyện nhựa cùng hàng trăm tập phim video và phim truyền hình.
Trong các bộ phim tham dự nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế của ông như: Biệt ly trắng, Madam Dung, Đám mây không dừng lại, Người tìm vàng, hay Long thành cầm giả ca – bộ phim đã mang về cho NSND Đào Bá Sơn 3 giải Cánh diều vàng, trong đó có Phim truyện nhựa xuất sắc nhất được ông khai thác hình ảnh người phụ nữ, đặc biệt là nỗi đau tận cùng của họ.
NSND Đào Bá Sơn từng tâm sự: "Tôi cũng không biết tại sao, nhưng những người đàn bà mà tôi chứng kiến sự khổ đầu tiên trong cuộc đời tôi đó là mẹ tôi, rồi người kế tiếp là chị tôi. Đến khi lớn lên, cảm nhận được xung quanh mình rất nhiều nỗi đau của những người phụ nữ và kể cả những nỗi khổ đau của chính mình gây ra cho những người đàn bà thân yêu của mình.
Khi nhận được kịch bản hay đề tài tôi thường có khuynh hướng khai thác sâu về nỗi khổ đau, những bất hạnh của họ. Bên cạnh đó, bao giờ tôi cũng luôn thể hiện khát vọng sống, một khát vọng yêu thương, một khát vọng với tất cả những gì tốt đẹp, trong trẻo nhất. Tại sao lại vậy, tôi cũng không biết. Thông thường những nhân vật phụ nữ của tôi thì ít nhân vật nào trọn vẹn".
Như trong phim Long thành cầm giả ca, nhân vật Cầm do Nhật Kim Anh thể hiện là hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, có một tình yêu đầy bi kịch nhưng cũng rất đỗi nên thơ. NSND Đào Bá Sơn bày tỏ nỗi xót xa, chân thành về những kiếp người bất hạnh, có thân phận long đong, bị vùi dập bởi lề thói phong kiến bất công. Để rồi khi mang bộ phim đến với không chỉ khán giả Việt mà với công chúng nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về hình ảnh người phụ nữ Việt tuy bị dòng đời chèn ép nhưng chưa bao giờ từ bỏ khát vọng được yêu và sống. Như nhận xét của Nhà văn Ngô Thảo: "Phim này nếu chiếu giới thiệu trong tuần lễ liên hoan phim quốc tế, chúng ta không xấu hổ".
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên – Với phụ nữ, tình cảm luôn mang nhiều sắc thái đặc biệt
Hai bộ phim đầu tay Sống trong sợ hãi và Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng nhận nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá, trong đó có các giải Cánh diều vàng cho Kịch bản xuất sắc và Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất.
Xem phim của Bùi Thạc Chuyên, khán giả cũng bắt gặp nhiều hình ảnh của người phụ nữ trong đó. Như ở Chơi vơi, Bùi Thạc Chuyên mô tả nữ nhân vật chính yếu đuối, không thể ngăn mình sa vào cuộc phiêu lưu tình ái đầy dục vọng với cả đàn ông lẫn đàn bà. Tờ New York Times từng nhận xét về bộ phim này như sau: "Sự thăm dò tinh tế và u sầu, những cảm giác bất an về tình ái và sự thức nhận đầy hoang mang".
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng từng chia sẻ: "Với Chơi vơi, trong bộ phim đó các nhân vật mắc kẹt trong ham muốn và tình cảm của bản thân. Tôi muốn thể hiện đỉnh điểm của những ham muốn không thỏa mãn". Tuy vậy, khi làm ra Tro tàn rực rỡ, Bùi Thạc Chuyên lại có quan điểm khác, anh thiên nhiều hơn về sự an ủi, bao dung, bởi theo anh thì tình cảm của người phụ nữ không bao giờ cạn, không bao giờ dừng lại.
Lấy bối cảnh vùng sông nước Nam Bộ, những người phụ nữ trong phim Tro tàn rực rỡ là những con người tần tảo, chịu thương chịu khó nhưng chính vì thế lại chịu thiệt thòi cho mình. Dù vậy, khi chia sẻ với Dân Việt, Bùi Thạc Chuyên cho biết mình không để nhân vật chìm sâu vào sự bế tắc, anh thay đổi cái kết so với truyện gốc của Nguyễn Ngọc Tư, để họ tự đi tìm câu trả lời cho riêng bản thân, nhằm thoát khỏi tình cảnh bí bách và túng quẫn.
Đạo diễn Bùi Tiến Huy – Người phụ nữ thời hiện đại vẫn nhiều tâm trạng, khổ đau
Hình ảnh phụ nữ có rất nhiều hình thái khác nhau trong điện ảnh, trên truyền hình cũng vậy. Với đạo diễn Bùi Tiến Huy – người đứng sau loạt phim truyền hình đình đám như: Tình yêu và tham vọng, Thương ngày nắng về, hay mới đây là Đừng nói khi yêu... Những bộ phim này với bối cảnh cuộc sống hiện đại, trẻ trung, nổi bật là tâm trạng, sự khổ đau của người phụ nữ thời đại này.
NSND Minh Hòa – một trong những gương mặt xuất sắc của phim ăn khách Thương ngày nắng về từng chia sẻ về vai diễn của mình: "Nhân vật của tôi là người mẹ có quá khứ đau buồn. Tuy vậy, bà ấy vẫn muốn quyết tâm làm lại và sống trong hận thù, tìm cách trả thù người đã gây ra cái chết của con gái mình. Không những vậy, bà đặt ra mục tiêu bằng mọi giá vượt lên cả về con đường công danh sự nghiệp, cả về ý chí nghị lực".
Khi chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Bùi Tiến Huy bày tỏ: "Nhân vật trong phim của tôi đều trải qua một hành trình dài có rất nhiều khó khăn, thách thức, có cả những mất mát, khổ đau… Những điều đó như những cơn mưa bão xảy đến với cuộc đời mỗi người vậy. Nhưng chính vì đã trải qua những cơn mưa đó thì từng người lại càng thêm quý trọng, thấy thương những ngày ở bên nhau".
Xem phim của Bùi Tiến Huy, khán giả luôn thấy hình ảnh người con gái, người phụ nữ mang sắc thái lạc quan, tích cực, dù có phải trải qua nhiều chông gai. Điển hình như bộ phim Đừng nói khi yêu, dù gây ra nhiều tranh cãi nhưng nhân vật chính Ly do Thùy Anh thể hiện chính là sắc thái mới mẻ cần phải có trên màn ảnh.
Thùy Anh từng chia sẻ với Dân Việt rằng, chính vì nhân vật này khiến cô cảm thấy tràn đầy năng lượng, nên nữ diễn viên mới mạnh dạn thử sức cho vai diễn này. Thông qua bộ phim Đừng nói lời yêu, Thùy Anh muốn mang đến nguồn xúc cảm tích cực cho khán giả.
Không có nhận xét nào