Breaking News

Vợ nhạc sĩ Hồng Đăng nghẹn ngào kể về việc tìm thấy bí mật của chồng trong ngày giỗ đặc biệt

Có mặt trong lễ giỗ đặc biệt này, có nhà văn Ngô Thảo, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhạc sĩ Doãn Nho, Thụy Kha, Đức Trịnh, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nhà báo Hồ Quang Lợi, nghệ sĩ Thanh Tú, Hữu Mười, Thu Hà, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, ca sĩ Kim Tiến, Thùy Dung, Mai Hoa, Vũ Thắng Lợi, Đào Tố Loan… Nhiều người đã bật khóc khi kể những câu chuyện, những kỷ niệm về người nhạc sĩ tài hoa vừa đi xa.

Lễ giỗ đặc biệt, nhiều nước mắt và nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 1.

Chân dung nhạc sĩ Hồng Đăng qua góc máy của nhiếp ảnh gia Đình Toán. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Nhạc sĩ Doãn Nho gọi nhạc sĩ Hồng Đăng là "người nhạc sĩ có một không hai". Ông cho rằng, nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại cho cuộc đời hơn 600 tác phẩm âm nhạc thuộc nhiều thể loại như ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Riêng thể loại nhạc phim, ông viết cho gần 70 phim, bao gồm cả truyền hình, điện ảnh, tài liệu, hoạt hình… Các tác phẩm của nhạc sĩ Hồng Đăng không chỉ gấy tượng, để lại dấu ấn, gieo tiếng vang trong lòng công chúng mà cả trong giới sáng tác âm nhạc.

"Với lượng tác phẩm đồ sộ, trải dài ở nhiều thể loại, anh Hồng Đăng được liệt vào hàng nhạc sĩ "quý, hiếm" của chúng ta. Cả những bài báo, bài giảng anh viết về âm nhạc cũng được đưa vào giáo trình giảng dạy âm nhạc. Điều đặc biệt nhất là anh có một khả năng tiên tri, tử vi rất tuyệt vời. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp… đã thoát khỏi những tai nạn, sự cố nhờ có lời khuyên của anh. Trong nhạc sĩ Hồng Đăng tồn tại rất nhiều con người với những hình thức tư duy gần như hoàn toàn đối lập nhau", nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.

Lễ giỗ đặc biệt, nhiều nước mắt và nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ về nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nghẹn ngào chia sẻ, lúc sinh thời, nhạc sĩ Hồng Đăng và nhà văn Lê Phương – chồng bà có một mối quan hệ rất thân thiết. Và hôm nay đến đây, bầ rất nhớ chồng, nhớ nhạc sĩ Hồng Đăng – một người bạn nho nhã, quảng giao, ôn hòa, tài năng.

"Tôi biết đến anh Hồng Đăng khi về sống với chồng tôi, cách đây khoảng 40 năm. Các cuộc gặp gỡ của chồng tôi và anh Hồng Đăng đều trong trạng thái ngồi lắng nghe mọi người nói, còn các anh im lặng. Thỉnh thoảng hai ông đá một câu rất hài hước, dí dỏm. Rất khó để nói ngày xưa hai người thân nhau bởi điều gì ngoài tài tử vi. Họ rất giống nhau khi nhận định về một ai đó thông qua tài tử vì. Trong quan hệ bạn bè, anh Lê Phương và anh Hồng Đăng chưa bao giờ phán định về nhau, phán định về quan hệ của nhau", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.

Lễ giỗ đặc biệt, nhiều nước mắt và nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Thanh Tú, nhà báo Chu Thu Hằng rơm rớm nước mắt khi nghe kể những câu chuyện về nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Nghệ sĩ Thanh Tú kể rằng, có một lần nhạc sĩ Hồng Đăng kể với bà, ông vừa đi thi "chui" một cuộc thi âm nhạc có hàng nghìn người tham gia mà ông đoạt giải và ông hài hước sau khi đoạt giải xong ông có thể phải đi tù vì ông đi thi chui.

"Tài tử vi của anh Hồng Đăng kỳ lạ lắm! Lúc tôi đang nổi tiếng ở lĩnh vực sân khấu và phim ảnh, đang đứng ở đỉnh cao của nghề thì anh Hồng Đăng bảo với tôi là tôi sinh ra không phải đề làm nghề này, nghề của tôi là dạy học và đi tu. Cứ sống hết đời đi sẽ thấy nó là như thế. Tôi thấy kỳ lạ mới "mắng yêu": "Anh xem lại ngày sinh của em đi, anh cứ đổi ngày sinh của người ta như không ấy". Và cuối cùng thì đúng là như thế, lời tiên tri của anh Hồng Đăng được chứng nghiệm từ rất sớm", nghệ sĩ Thanh Tú kể.

Lễ giỗ đặc biệt, nhiều nước mắt và nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều phát biểu trong lễ giỗ nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu rằng, Hồng Đăng là nhạc sĩ nổi tiếng như rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khác, nhưng họ nổi tiếng trong phạm vi thời đại đó, còn những ca khúc của Hồng Đăng, những giai điệu của Hồng Đăng, những ca từ của Hồng Đăng, những tâm trạng và cảm xúc của mỗi bài hát, như những mạch ngầm chảy mãi.

"50 năm trước, khi hát những giai điệu về "Hoa sữa" của Hồng Đăng, chúng ta run rẩy. 50 năm sau, chúng ta vẫn hát "Hoa sữa" và vẫn run rẩy về nó, bởi những rung động về tình yêu của con người với con người. Trong giai điệu và ca từ của "Hoa sữa" còn là những ký ức chung, còn là hạnh phúc, tình yêu, sự buồn bã, tất cả vẻ đẹp đó đều dâng lên. Sau này, thời gian có thể làm mọi thứ xóa nhòa đi, chỉ còn một thứ tồn tại đó là những nhịp điệu tình yêu vang lên trong trái tim của một người đàn ông và một người đàn bà. Nó chỉ kết thúc khi con người kết thúc. Bởi vậy, ca khúc mà Hồng Đăng viết không chỉ trong thời đại của mình mà còn qua nhiều thời đại khác", nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Vợ nhạc sĩ Hồng Đăng bật khóc khi kể về chồng

Bà Lê Anh Thúy nghẹn ngào kể về chồng - nhạc sĩ Hồng Đăng. Clip: Hà Tùng Long.

Không giấu nổi sự xúc động, bà Lê Anh Thúy – vợ nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ rằng: "Hôm nay là ngày giỗ đặc biệt và vô cùng cảm động đối với tôi. Ngày anh mất, tôi cứ nghĩ, không biết mai này ngày giỗ của anh sẽ làm như thế nào. Một người nghệ sĩ mất đi, không còn tồn tại trên đời nữa mà cũng biến mất trong ký ức của mọi người thì thật đáng tiếc. 

Khi giọt dẹp nhà cửa, tôi thấy trong đống di cảo của anh, có những trang viết khiến cho tôi không thể nào hiểu được anh từng vượt qua những đau đớn, những khó khăn bằng cách nào để làm nghề. Làm nghề một cách rất đàng hoàng, chân chính. Từ chỗ đó mà tôi muốn làm một cuốn sách để mọi người thấy được anh Hồng Đăng đã sống, đã làm nghề như thế và con người cũng như thế".

Lễ giỗ đặc biệt, nhiều nước mắt và nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 5.

Toàn cảnh buổi ra mắt cuốn sách "Chân trời gọi nắng". Ảnh: Hòa Nguyễn.

Cuốn sách "Chân trời gọi nắng" do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Bà Lê Anh Thúy, chia sẻ rằng, quá trình làm sách, phần lớn bản thảo của ông để lại đã hỏng nhiều, khó đọc, bà phải gõ lại từng chữ sau khi chụp để lưu. Nói về tính cách của chồng, bà Lê Anh Thúy vẫn bảo, ông là người sống nhẹ nhàng, vui vẻ, chuyện nặng hóa nhẹ, chuyện nhẹ thành không, nên đông bạn bè. Nhưng khi ông viết lại quyết liệt, rành mạch, không xuề xòa, dễ dãi.

Thêm nữa, bao lâu nay, vợ chồng bà vẫn luôn "sống trong tình thương yêu của đồng bào, đồng chí" để từ đó, ông đủ sức, đủ can đảm làm được nhiều việc có ích cho anh em đồng nghiệp, cho âm nhạc. Và hôm nay, cuốn sách "Chân trời gọi nắng" ra đời cũng là "tình yêu thương của đồng bào đồng chí" gửi tới ông, nhắc tới ông, như ông vẫn còn đâu đây, trong lòng bạn bè, gia đình và cả những người yêu nhạc.

“Chân trời gọi nắng” gồm 3 phần: Phần 1: Hồng Đăng - sống và viết, đây là những câu chuyện về gia đình, những bài báo về cuộc sống của cố nhạc sĩ cùng tuyển tập các tác phẩm ca khúc cùng bài viết âm nhạc mà ông sáng tác; Phần 2: Câu chuyện tử vi, do vợ ông - bà Lê Anh Thúy ghi lại; và Phần 3: Hồng Đăng trong lòng người, mang tới những lời bình, lời nhận xét của những người bạn nghệ thuật, những tâm hồn nghệ sĩ yêu mến gửi tới Hồng Đăng.

Lễ giỗ đặc biệt, nhiều nước mắt và nhiều kỷ niệm của nhạc sĩ Hồng Đăng - Ảnh 7.

Sách "Chân trời gọi nắng" ra mắt đúng 1 năm ngày nhạc sĩ Hồng Đăng đi xa. Ảnh: Hòa Nguyễn.

Tập sách như một thước phim tua chậm về cuộc đời cố nghệ sĩ Hồng Đăng, đưa tới cho độc giả cái nhìn đa chiều không chỉ về khía cạnh hoạt động nghệ thuật mà còn về cuộc sống gia đình, mà còn về cách nhìn thời thế, những câu chuyện “bên lề” của cuộc sống và cả góc nhìn đầy sự yêu mến của bạn bè, đồng nghiệp cùng những nghệ sĩ khác dành cho ông.

Đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến dự lễ giỗ cũng là buổi ra mắt cuốn sách "Chân trời gọi nắng". Ảnh: Hòa Nguyễn.

Nhạc sĩ Hồng Đăng có tên đầy đủ Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, qua đời ngày 21/3/2022.

Nhạc sĩ Hồng Đăng có nhiều năm làm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam kiêm Tổng Biên tập tạp chí Thế Giới Âm Nhạc.

Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm "Biển hát chiều nay", "Hoa sữa", "Quà tháng năm", "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ" và hợp xướng "Lửa rực cháy".

Năm 2022, nhạc sĩ Hồng Đăng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, cho các tác phẩm "Lênh đênh", "Đêm hành hương về huyền thoại", "Buổi tối, chuyện một căn nhà nhỏ", "Khao khát", "Gửi một câu hát cho Tokyo".

Không có nhận xét nào