Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh: "Làm phim chiến tranh để thấy mình tồn tại"
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh được biết đến là người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam. Với gần 60 bộ phim truyền hình về đề tài chiến tranh được thực hiện ở 40 tỉnh thành trên cả nước, đạo diễn Trần Vịnh đã khai thác hầu hết các sự kiện lịch sử ghi dấu chiến công oai hùng của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Thưa đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh, duyên cớ nào khiến ông gắn bó với những bộ phim đề tài chiến tranh?
- Trước khi tốt nghiệp trường Nghệ thuật Quân đội, tôi đã được điều động bổ sung cho đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên – Huế và công tác tại đây từ 1969 đến 1974. Giai đoạn này, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời kì khốc liệt nhất. Năm 1974, tôi về đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị, lại tiếp tục đi biểu diễn cho tất cả các đơn vị đang chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Tây Nam, phía Bắc. Có thể nói, tôi có thời trai trẻ đắm mình trong cuộc sống của một người chiến sĩ, cũng hành quân bộ 27 ngày ròng rã vào chiến trường, cũng chứng kiến biết bao gương hy sinh dũng cảm và cả những câu chuyện đau lòng.
Trong chiến trường có nhiều cái chết đến bất ngờ lắm. Chết đói, chết vì ăn phải thuốc độc khi ăn đồ ăn quân Mỹ để lại, chết bệnh, chết vì vướng mìn, vì những viên đạn lạc hay mảnh bom mồ côi văng trúng… Tôi cũng đã từng nhặt xương chiến sỹ trên đường hành quân. Cho nên, về tài năng tôi không bằng đạo diễn khác, chỉ là lấy cần cù bù thông minh nhưng tôi là người bước ra từ cuộc chiến tranh nên hiểu ít nhiều về nó. Những năm 1968 – 1972, thanh niên chúng tôi chỉ có một mục tiêu là sống - chiến đấu - giành độc lập cho dân tộc. Nói thế nghe có vẻ lí luận nhưng đó là sự thật. Chúng ta phải hiểu rằng, đất nước có được như ngày hôm nay nhờ sự hy sinh của những thế hệ trước, bao xương máu đã đổ xuống. Đó là lí do tôi vẫn còn muốn đi làm phim chiến tranh và chỉ làm những phim đó thôi.
Làm thế nào để một người làm phim có thể nuôi dưỡng cảm xúc với đề tài chiến tranh cách mạng?
- Tôi thấy phim truyền hình của chúng ta hiện nay chỉ làm về những tâm sự vụn vặt, những chuyện thường nhật của đời sống kinh tế thị trường để kiếm tiền quảng cáo mà bỏ qua đề tài giáo dục truyền thống cách mạng. Phim chiến tranh không ai chịu đầu tư làm. Đồng ý là làm phim chiến tranh sẽ tốn tiền và khó làm, người viết kịch bản cũng ít và thiếu, nhưng không phải không viết được. Còn tôi, cứ thích thì làm thôi chứ không vì mục đích phải kiếm tiền.
Quan niệm của ông về một bộ phim chiến tranh thu hút được số đông người xem?
- Tôi quan niệm rằng, làm phim chiến tranh là kể lại một câu chuyện cổ tích có thật, từ đó giúp con cháu chúng ta hiểu ông cha đã chiến đấu như thế nào, đồng thời để cho những người đương thời chiêm nghiệm lại bản thân từ đó xác định nên đi theo con đường hy sinh xương máu cho Tổ quốc hay tạt sang ngả khác. Những người làm phim chiến tranh phải biết thương những con người trong chiến tranh. Kể cả khi người ta chối bỏ nhiệm vụ hay gặp sai phạm cũng phải chọn cách khai thác bằng lòng thương yêu. Như thế đòi hỏi người làm phải có tầm, nếu không hiểu thì sẽ không làm được.
Có thể nói chiến tranh đã cho ông trải nghiệm để trở thành đạo diễn phim chiến tranh, vậy chiến tranh đã lấy đi của ông những gì?
- Nếu không ở trong quân đội, không được đào tạo trong quân đội và gian khổ đi đoàn văn công chiến trường, đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị sẽ không bao giờ tôi có được cuộc sống ấy. Tôi không mất gì cả, chỉ được thôi. Năm 1969, tôi bắt đầu vào miền Tây Quảng Bình sau đó vòng sang Lào rồi vòng về chiến trường Trị Thiên qua 27 ngày đi bộ không bao giờ nghĩ mình còn sống trở về đâu.
Sau chiến tranh biên giới phía Tây Nam trở về, tôi mới biết mình còn sống. Nhờ những năm tháng ấy, tôi mới hiểu được cuộc chiến đấu, mới hiểu được người lính và mang tất cả những trải nghiệm, cảm xúc đó tái hiện lại trong phim. Tôi hiểu, những cống hiến của mình không thấm gì với hàng triệu chiến sỹ đã hy sinh. Tôi thuộc nằm lòng câu nói của đại tá nhà văn Đào Hồng Cẩm với mình: "Vịnh ơi! chúng ta qua chiến tranh còn được sống về với gia đình là hạnh phúc lắm rồi. Những chiến sỹ đã hy sinh nằm lại nơi chiến trường họ có còn đòi hỏi được gì nữa đâu...".
Điều khác biệt trong các bộ phim chiến tranh của đạo diễn Trần Vịnh là gì?
- Tôi học để trở thành diễn viên kịch, sau đi đóng phim, không học đạo diễn ngày nào. Năm 1987, đạo diễn Huy Thành bảo tôi làm đạo diễn đi rồi ông ấy nhường cho kịch bản. Tôi giãy nảy lên từ chối, bảo tôi làm sao mà làm được đạo diễn. Ông Huy Thành cứ động viên và bảo sẽ hướng dẫn thêm. Thế là tôi làm đạo diễn, nghĩ lại kể cũng hơi liều. Làm phim chiến tranh, tôi không thích kỹ xảo, thường đánh nổ lấy, vất vả nhưng mà thật. Bởi tôi thấy làm kỹ xảo trông thì hoành tráng, nhàn hạ nhưng xem không thích. Tôi làm 2 phim "Lộ Vòng cung" và "Biển lửa Ngã Năm" cho Cần Thơ với Sóc Trăng thì lại đánh thật chứ không làm kỹ xảo nữa.
Ngoài ra, phim tôi thường không lấy diễn viên quen, vai cần thiết lắm mới mời người có tên tuổi vì muốn có sự mới mẻ. Tài năng đến mấy cũng phải xuất phát từ bản thân, cái cười cái nói cũng đều giống nhau cả thôi mà tôi không thích quen thuộc. Đành rằng, làm việc với diễn viên lạ thì sẽ mệt hơn vì phải hướng dẫn họ từng tí một nhưng khi diễn viên vào cuộc thì mình lại được hưởng cái thần thái của họ. Tôi là diễn viên trước khi làm đạo diễn nên có thể dạy được diễn viên, không cần diễn viên giỏi, cứ đưa vào cuộc được thì tôi sẽ sửa.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Đạo diễn, NSƯT Trần Vịnh sinh năm 1943 tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã đạt 34 giải thưởng quốc gia và quốc phòng, được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phong tặng danh hiệu: "Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam" vào năm 2014.
Không có nhận xét nào