Breaking News

Cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức: "Khi cái xấu bị tiêu diệt, điều tốt đẹp mới có cơ hội phát triển"

Ngày 17/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành quyết định về việc cập nhật kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo...

Cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật: "Khi cái xấu bị tiêu diệt, những điều tốt đẹp mới có cơ hội phát triển" - Ảnh 1.

Hữu Tín, Hiền Hồ là hai nghệ sĩ bị nhiều khán giả phản đối trong thời gian qua vì những vi phạm về pháp luật, đạo đức. (Ảnh: FBNV)

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia truyền thông kỳ cựu Nguyễn Ngọc Long về vấn đề này:

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025. Quyết định nêu rõ: Nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Anh đánh giá thế nào về việc ban hành quyết định này?

- Tôi cho rằng đây là một quyết định vô cùng kịp thời, hợp lý, đáp ứng được sự mong mỏi đã từ rất lâu của báo chí, truyền thông cũng như người dân trong xã hội. Quyết định này còn phù hợp với xu hướng mới của thế giới. 

Chúng ta đều biết pháp luật được sinh ra để đem đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Cuộc sống thì luôn thay đổi, pháp luật, quy chế cũng vì vậy mà phải luôn điều chỉnh, sửa đổi, cập nhật để phù hợp với thời đại.

Những nghệ sĩ ngày trước đa phần đều hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ khi làm nghệ thuật, thế nhưng một số bộ phận mang danh nghệ sĩ ở thời điểm hiện tại thì khác. Họ không có đạo đức, có thể vì tiền mà hành động bất chấp, để rồi sống trên hào quang, ảo tưởng, hư danh, cho mình đứng trên thiên hạ. Họ đạp lên dư luận xã hội, đạp trên thuần phong mỹ tục, những quy chuẩn về đạo đức và văn hoá, cũng bởi vậy rất cần những điều luật, quy chế mới để định hướng lại hoạt động của họ.

Thứ hai là một bộ phận mới trong xã hội đã xuất hiện. Họ là những KOLs, KOCs, không hoạt động nghệ thuật nhưng rất có ảnh hưởng tới công chúng. Việc cho đối tượng này vào Quyết định 512 cho thấy Bộ Thông tin và Truyền thông đã bắt kịp với hơi thở của cuộc sống, bởi những KOLs không chỉ mới ở Việt Nam đâu, họ là đối tượng mới đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật: "Khi cái xấu bị tiêu diệt, những điều tốt đẹp mới có cơ hội phát triển" - Ảnh 2.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long. (Ảnh: FBNV)

Quyết định này ra đời sẽ có những ảnh hưởng tích cực thế nào tới các hoạt động giải trí, thưa anh?

- Quyết định này sẽ không chỉ ảnh hưởng tích cực tới lĩnh vực giải trí, mà ảnh hưởng tích cực tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Đương nhiên, do các nghệ sĩ, KOLs đều làm việc trực tiếp trong lĩnh vực giải trí, Quyết định 512 trước hết sẽ tạo ra một môi trường văn minh, sạch sẽ, bình đẳng cho những nghệ sĩ thực thụ. 

Chúng ta đều biết cái xấu dễ dàng lan toả và gây chú ý hơn những điều tốt đẹp. Việc nhiều nghệ sĩ sống trái đạo đức, đi theo những giá trị lệch chuẩn được tung hô, thậm chí có nhiều show diễn và hợp đồng khiến những nghệ sĩ tử tế, tận tụy với nghề thiệt thòi rất nhiều. Thực tế đó phần nào triệt tiêu đi những những khao khát sáng tạo, đam mê nghề nghiệp của họ. Sự thay đổi này sẽ giúp những nghệ sĩ đích thực có động lực cống hiến, nhờ vậy làm ra những sản phẩm nghệ thuật tốt hơn rất nhiều để phục vụ xã hội.

Về kinh tế, khi những nghệ sĩ, KOLs, KOCs lệch chuẩn vẫn có khán giả ủng hộ, có sức ảnh hưởng, các nhãn hàng vẫn phải "cắn răng" hợp tác với họ. Điều này dẫn đến một chuỗi bất hợp lý trong xã hội. Việc những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức phải chịu các chế tài giúp những nhãn hàng hoàn toàn yên tâm khi mời những nghệ sĩ đích thực đại diện cho sản phẩm. 

Về luật pháp, an ninh xã hội cũng vậy, những trường hợp như Khá Bảnh, Huấn "hoa hồng" từng được giới trẻ tung hô, khiến tôi rất bất bình. Loại bỏ được các thành phần như thế sẽ góp phần tạo ra sự ổn định, trật tự cho xã hội.

Nhiều người cho rằng, việc cấm sóng, cấm diễn các nghệ sĩ có hình ảnh tiêu cực cũng sẽ giúp định hình phông văn hoá, ứng xử của giới trẻ, đặc biệt trong thời đại mạng xã hội phát triển?

- Điều này là tất yếu. Về mặt giáo dục, nếu giới trẻ cứ nhìn vào những tấm gương thiếu đạo đức nhưng lại có nhiều tiền bạc, hào quang, không bị bất cứ sự trừng phạt nào, họ sẽ cho rằng đó chính là chuẩn mực. Hiện thực đó gây ra khó khăn cho nhà trường, thầy cô, các cơ quan truyền thông, bởi chúng ta cứ tôn vinh những cái tốt, nhưng không chỉ cho người trẻ được rằng cái xấu sẽ bị đánh giá, bị tiêu diệt.

Thứ hai, về định hướng nghề nghiệp, sau khi có quyết định "cấm sóng", "cấm diễn" với những vi phạm pháp luật, đạo đức, giới trẻ sẽ không chọn đi theo những con đường đó để lấy về hào quang, tiền bạc. Từ đó, họ nỗ lực học tập, rèn luyện, tạo ra giá trị cho xã hội.

Liệu quyết định này có những bất cập trong việc triển khai hay không, khi định nghĩa của "thuần phong mỹ tục" hiện tại còn khá nhiều tranh cãi?

- Bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng có hai mặt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, hoàn thiện cho phù hợp. Tôi nghĩ điều quan trọng là cả xã hội đều đồng lòng và ủng hộ quyết định này. Chúng ta sẽ dần khắc phục hạn chế, đưa điều luật đó vào trong cuộc sống, tạo . 

Mới đây, ca sĩ Hiền Hồ liên tiếp bị huỷ show bởi công chúng phản đối. Trong khi đó, MC Trấn Thành cũng dừng xuất hiện trong một số gameshow truyền hình sau một loạt lùm xùm. Đây liệu có phải tín hiệu của một nền giải trí chuyên nghiệp hơn, nơi công chúng đóng vai trò quyết định?

- Rõ ràng là như vậy. Tôi nghĩ công đầu chính là từ báo chí. Nếu báo chí không đấu tranh tích cực, khán giả cũng không thể khẳng định và tự tin vào quyền lực của họ. Là người theo dõi truyền thông xã hội nhiều năm, tôi hiểu số đông vẫn tin tưởng báo chí và trông chờ báo chí lên tiếng trong những cuộc đấu tranh chống lại cái xấu. Quyết định này là một tín hiệu quá đáng mừng cho toàn xã hội.

Theo thời gian, khi quyết định nói trên đi vào cuộc sống, phát huy hơn nữa trong việc đem lại một nền giải trí nhân văn, nhân bản, chắc chắn sự ủng hộ của người dân còn tăng cao hơn nữa.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Không có nhận xét nào