Breaking News

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành

Ngày 30/4, hàng nghìn người dân khắp nơi đổ về TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) dự khai hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn. Năm nay, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn diễn ra trong 2 ngày 29/4 và 30/4 (tức 10 – 11/3 năm Qúy Mão).

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Nguyễn Tuấn Minh đánh trống khai hội. Ảnh: Bùi My

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 2.

Hoạt cảnh diễn tích lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn. Ảnh: Bùi My

Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long cho biết, việc tổ chức lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn nhằm ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đồng thời, nhằm xây dựng niềm tự hào về quê hương trong mỗi người dân Hạ Long, giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của cụm di tích lịch sử núi Bài Thơ. Từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, giữ gìn, đóng góp công lao tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, nâng cao đời sống tinh thần, tâm linh, tín nguyện của người dân trên TP. Hạ Long nói riêng và trên mọi miền của Tổ quốc nói chung.

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 3.

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn nhằm góp phần gìn giữ văn hóa tín ngưỡng và quảng bá, kích cầu du lịch địa phương. Ảnh: Bùi My

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 4.

Đoàn rước kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn đi đến đâu, người dân đi theo đến đó. Ảnh: Bùi My

Trước đó, trong ngày 29/4 đã diễn ra những nghi thức quan trọng như lễ mộc dục, tuần tế bạch văn khai hội, tuần tế nữ quan, lễ cáo yết tại chùa Long Tiên… Lễ hội chính thức khai hội vào ngày 30/4, với tâm điểm là lễ rước Đức Ông vi hành.

Đoàn rước bắt đầu từ Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn ra đường Lê Thánh Tông, đến chùa Long Tiên, đi đến cột đồng hồ, rẽ ra đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, qua cầu Bài Thơ, và sau đó hồi cung.

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 5.

Nhiều người tranh thủ ghi lại khoảnh khắc khi đoàn rước kiệu đi qua tuyến phố trung tâm của TP.Hạ Long. Ảnh: Bùi My

Lễ rước Đức Ông vi hành luôn là nghi thức thu hút đông đảo người dân, du khách gần xa chiêm bái mỗi dịp lễ hội. Ngoài ra, nhiều gia đình trên đường đoàn rước Đức Ông vi hành đi qua còn bày mâm lễ. Đặc biệt, nhiều người dân tranh thủ chen vào đoàn rước, bỏ tiền vào kiệu rước Đức Ông để cầu may.

Năm nay, lễ rước Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành có hơn 30 đội rước với sự tham gia của khoảng 1.000 người như: Đội rước kiệu hương án, kiệu Long Đình, kiệu võng, đội múa sinh tiền nam, nữ, đội hộ giá, đội kiếm lệnh, đội nhạc lễ, đội rước cờ vía, cờ lệnh, cờ thần, đội vác chấp kích, đội múa rồng, lân, đại diện các trường học, đại diện các khu phố...

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 6.

Người dân, du khách bỏ tiền vào trong kiệu rước để cầu may. Ảnh: Bùi My

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 7.

Các em nhỏ cũng được bố mẹ cho sờ tận tay kiệu rước Đức Ông vi hành để xin mạnh khoẻ, thông minh và may mắn. Ảnh: Bùi My

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 8.

Đa số người dân chỉ bỏ tiền lẻ. Ảnh: Bùi My

Ông Nguyễn Văn Hoành, Đội trưởng đội tế nam phường Hồng Gai hào hứng cho biết, ông đã tham gia lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn 12 năm nay. Hàng ngày, các thành viên đội tế nam tập luyện rất tích cực. Đặc biệt, trong đội tế nam của phường Hồng Gai có những thành viên 85 tuổi, thấp nhất 70 tuổi, nhưng mọi người đi rất hào hứng khi tham gia lễ hội.

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 9.

Người dân lập bàn lễ cầu bình an khi đoàn rước kiệu Đức Ông vi hành đi qua nhà mình. Ảnh: Bùi My

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn là dịp để người dân ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi dậy lòng tự hào về truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau thông qua những hình ảnh được tái hiện trong lễ hội như: Hình ảnh Đức Ông Trần Quốc Nghiễn với các tướng lĩnh hộ giá vi hành qua các con phố, lễ rước đuốc thiêng, lễ thả hoa đăng…

Chen chân bỏ tiền cầu may lên kiệu Đức Ông Trần Quốc Nghiễn vi hành - Ảnh 10.

Đoàn rước bắt đầu từ Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn ra đường Lê Thánh Tông, đến chùa Long Tiên, đi đến cột đồng hồ, rẽ ra đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, qua cầu Bài Thơ, và sau đó hồi cung. Ảnh: Bùi My

Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu đích tôn của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông là ông chú.

Ngài là vị tướng tài giỏi, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Theo sách Trần Triều hiển thánh chính kinh tập biên, sau khi hóa, Đức ông Trần Quốc Nghiễn đã nhiều lần hiến ứng cứu giúp dân lành, được triều đình ban cho thần hiệu Đông Hải Đại Vương.

Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được người dân địa phương lập từ cuối thế kỷ 13 nhằm ghi nhớ công lao của Ngài. Ngôi đền linh thiêng tọa lạc dưới chân núi Bài Thơ, mặt hướng ra vịnh Hạ Long kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được tổ chức vào ngày 24/3 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên từ năm 2008, lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30/4 gắn với Tuần lễ Du lịch Hạ Long hằng năm.

Lễ hội đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân TP. Hạ Long, với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong cụm di tích núi Bài thơ, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào về quê hương và lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Không có nhận xét nào