Giới nghệ sĩ nói gì về quy định cấm sóng, cấm biểu diễn với nghệ sĩ vi phạm pháp luật?
Ngày 17/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.
NSND Thanh Hoa: "Nghệ sĩ nên được đối xử như mọi công dân"
Khi được Dân Việt hỏi về quy định mới này, NSND Thanh Hoa cho biết nghệ sĩ cũng nên được coi như những công dân bình thường của xã hội. Nghệ sĩ cũng phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình trong cuộc sống, đó là sự công bằng hiển nhiên. Nếu nghệ sĩ có vi phạm pháp luật thì cũng phải chịu những hình thức xử lý như người khác, không có ngoại lệ. Những sản phẩm của người mang lại hình ảnh xấu cũng không nên quảng bá trong đời sống. Người làm việc xấu không thể được đưa ra sản phẩm nghệ thuật để được mọi người xem, nghe hay tôn vinh được. Tôi ủng hộ quy định này, đây là việc hoàn toàn đúng đắn và nên làm.
Diễn viên, Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh: "Mỗi nghệ sĩ phải tự có cách hành xử đúng mực"
Diễn viên, Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh bày tỏ ý kiến cá nhân với Dân Việt: "Dù có hay không quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi người nghệ sĩ đã làm nghề cũng phải tự có cách hành xử đúng mực của riêng mình đối với nghề nghiệp, cuộc sống và những người xung quanh. Nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ cần phải có những quy tắc cụ thể để các nghệ sĩ, nhất là những bạn trẻ mới làm nghề, hay kinh nghiệm còn thiếu hiểu rõ được giới hạn cũng như khuôn phép rõ ràng trong nghề nghiệp cũng như cách ứng xử với khán giả.
Người nghệ sĩ hạnh phúc nhất là có những khán giả luôn ủng hộ và yêu mến mình. Đó chính là động lực để người nghệ sĩ ngày càng hoàn thiện mình tốt hơn, đóng góp nhiều hơn trên con đường nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, người nghệ sĩ cũng có trách nhiệm mang đến những nguồn năng lượng tích cực cho những khán giả yêu mến mình, để họ cảm thấy vui vẻ, yêu đời hơn.
Quan trọng nhất vẫn là tư cách, giá trị riêng của mỗi người nghệ sĩ và tự trọng của mỗi người. Ý thức tự giác của nghệ sĩ là quy tắc đầu tiên tôi nghĩ cần phải có để hướng tới một môi trường văn hóa nghệ thuật tốt đẹp.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Nghệ sĩ nên là tấm gương thể hiện sự văn minh, văn hoá"
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ với Dân Việt: "Với tôi, nghệ thuật là một ngàn nghề cao quý, nghệ sĩ là một người làm nghệ thuật, vì thế bản thân họ nên là tấm gương thể hiện sự văn minh, văn hoá, đại diện cái đẹp. Người bình thường vốn dĩ đã phải sống và tuân thủ đúng pháp luật, huống chi những người làm nghệ thuật, họ còn phải hơn như vậy.
Đó là suy luận theo lẽ thường - những nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật thường nhận được sự yêu thương, quý mến của nhiều người khác trong xã hội, họ nhận được nhiều sự ưu ái thì họ phải có trách nhiệm lan toả những giá trị tốt đẹp, tích cực lại cho cộng đồng. Đó là quyền lợi gắn liền với trách nhiệm của 1 người cần có.
Những nghệ sĩ thường có lượng fan đông đảo, trong đó có thể có những fan nhỏ tuổi, trong độ tuổi trưởng thành, chưa đủ trưởng thành và khả năng nhận thức đúng sai và sẽ vô thức suy nghĩ hoặc hành động theo thần tượng của mình. Vì thế nếu nghệ sĩ phát ngôn phản cảm, hành động lệch chuẩn, sống sa đoạ thác loạn thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều người và trẻ em thanh thiếu niên.
Và đó là điều hoàn toàn không tốt. Ví dụ nếu nghệ sĩ nhậu nhẹt, chửi thề, chơi ma tuý, hành nghề mại dâm hoặc kiếm tiền bằng việc sống trái đạo đức hoặc trái pháp luật mà vẫn được dung túng vẫn biểu diễn trên sân khấu hoặc xuất hiện trên thảm đỏ thì điều đó làm cho lớp trẻ nghĩ rằng họ cũng có thể được làm như vậy. Điều đó làm cho những nghệ sĩ chân chính cảm thấy tổn thương và bị coi thường".
Không có nhận xét nào