NSND Trọng Trinh đắc cử Phó chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam
Mang một ý nghĩa lớn lao trong đời sống người Việt, ngay từ khi thành lập, Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam đã đề ra phương hướng đưa bộ môn này trở thành môn "Nghệ thuật đỉnh cao" và người sẽ đồng hành thúc đẩy quá trình đó chính là NSND, đạo diễn Nguyễn Trọng Trinh. Ông sẽ sát cánh cùng Ban chấp hành với cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam.
Với bề dày kinh nghiệm sân khấu, điện ảnh NSND Trọng Trinh sẽ đồng hành cùng Ban chấp hành, HLV, VĐV kết hợp những màn múa Lân Sư Rồng với nghệ thuật sân khấu, điện ảnh. Mục đích là làm sống dậy "hồn thiêng linh thú" để Lân, Rồng và con người hòa làm một thể thống nhất từng cử chỉ, điệu bộ, cái chớp mắt đưa chân, nét tinh nghịch đáng yêu, khi sợ hãi hay dũng mãnh như thần đều được thể hiện, hòa quyện giữa truyền thống dân tộc, tâm thức con người.
NSND Nguyễn Trọng Trinh cho hay: "Với người Việt Nam, tôi nghĩ không ai trong đời chúng ta, từ trẻ đến lớn mà không biết hay gắn bó với hình ảnh lân sư rồng. Nó đi vào cuộc sống hàng ngày, từ lễ hội, ngày Tết, khai trương buôn bán, làm ăn, giải trí…
Đại hội Liên đoàn Lân Sư Rồng Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 có thể mở ra vận hội mới cho các địa phương giao lưu, thi đấu trong nước, tuyển chọn tài năng thi đấu ở thế giới. Đây cũng là nhu cầu đòi hỏi bức thiết trong xã hội, cùng đoàn kết lại để nâng cấp nhau lên. Trong tương lai, Liên đoàn sẽ đưa bộ môn Lân Sư Rồng phát triển rộng khắp, tăng cường hơn nữa cơ hội hội nhập quốc tế, thúc đẩy việc xã hội hóa môn Lân Sư Rồng tại Việt Nam.
Liên đoàn cũng sẽ tham gia thể thao thành tích cao, các HLV, trọng tài, VĐV được đào tạo, hoạt động bài bản, thi đấu ở nước ngoài, mang lại tiếng tăm cho thể thao Việt Nam. Sâu xa hơn cả là một chiều rộng hoạt động của một nét văn hóa dân tộc Việt không hề bị mai một. Một kỷ nguyên rực rỡ của môn nghệ thuật dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển".
Lân Sư Rồng là môn nghệ thuật truyền thống gắn bó với dân tộc Việt từ ngàn xưa, không chỉ có mặt trong đời sống mà còn mang nét văn hóa tâm linh in đậm trong tiềm thức mỗi con người.
Rồng còn được coi là vị thần giúp mùa màng tốt tươi nên người dân tin rằng, nếu thờ phụng Rồng sẽ mang đến một năm mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi. Lân biểu tượng của trí tuệ. Lân còn được gọi là Ly, sự xuất hiện của Kỳ Lân thường báo hiệu một năm thái bình thịnh trị và mang lại điềm lành.
Với ý nghĩa thiêng liêng đó, bộ môn múa Lân Sư Rồng đã gắn bó và có mặt trong hầu hết các hoạt động văn hóa, yâm linh, của người Việt. Từ biểu diễn lễ hội, đầu xuân, Trung thu, sự kiện, cầu bình an tài lộc… hơn thế nữa hình ảnh này còn xuất hiện ở tất cả đình, chùa, miếu, mạo.
Lân Sư Rồng đối với con người không chỉ là những điệu múa mà sâu xa hơn là hòa quyện giữa truyền thống dân tộc và tâm thức con người. Vì vậy, khi làm ra một chú Lân, Rồng bao giờ cũng có nghi thức "Khai quang điểm nhãn" là nghi thức bắt đầu cuộc sống mới của những chú Lân, chú Rồng cùng đoàn Lân, Rồng.
Lân, Rồng và con người hòa làm một thể thống nhất từng cử chỉ, điệu bộ, cái chớp mắt đưa chân, nét tinh nghịch đáng yêu, khi sợ hãi hay dũng mãnh như thần đều được thể hiện. Để có thể làm được điều đó yêu cầu người múa Lân, múa Rồng phải dày công tập luyện, sống đam mê, coi Lân, Rồng như hồn thể sống, có tâm hồn, tính cách; có như vậy mới cảm nhận được và khi múa Lân, Rồng chính là người.
Ở Việt Nam từ Bắc, Trung, Nam đều có những Liên đoàn, Hiệp hội Lân Sư Rồng nhưng trong thời điểm hiện tại phong trào, hội nhóm Lân Sư Rồng khu vực miền Nam có phần sôi động hơn cả. Thành lập một Liên đoàn lớn, danh chính ngôn thuận, được các Bộ, ban ngành, Nhà nước ủng hộ, đặc biệt là các địa phương đoàn kết cùng tập hợp lại để hướng tới tương lai.
Để Lân Sư Rồng ở miền Bắc, Trung không chỉ tồn tại trong các dịp lễ hội, hội làng, đầu xuân hay khai trương giải trí; tất cả Bắc, Trung, Nam sẽ theo một thể thống nhất phát triển rộng khắp, tăng cường hơn nữa cơ hội hội nhập quốc tế, thúc đẩy việc xã hội hóa môn Lân Sư Rồng tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào