Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Di sản văn hoá là "cầu nối" phát triển du lịch bền vững
Trong khuôn khổ Lễ hội đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023; Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, ngày 22/4 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo quốc tế về phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, hội thảo quốc tế về phát huy vai trò của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch là diễn đàn hướng đến một không gian khoa học để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nghiệp, doanh nhân và tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận về vai trò của di sản văn hóa trong lộ trình thúc đẩy du lịch gắn với phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chia sẻ, trong thời gian qua, công tác kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được các cấp, các ngành, các địa phương ở Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện.
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 40 nghìn di tích, trong số đó hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.610 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 483 di sản được Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh…
Các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ quan trọng trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu.
Cụ thể, trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chỉ tính riêng tại 8 di sản thế giới ở Việt Nam năm 2016 đón hơn 14 triệu lượt khách. Năm 2019 tăng lên khoảng hơn 18 triệu lượt khách đến tham quan; doanh thu đạt hàng nghìn tỷ đồng. Đây là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản, khẳng định sự đóng góp tích cực, hiệu quả của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế cho người dân.
Tuy nhiên, nếu so với tiềm năng, lợi thế, các di sản văn hóa to lớn của đất nước thì việc phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa vẫn hạn chế. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn di sản văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam vẫn còn ít sáng tạo, trùng lặp, chất lượng hạn chế, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước; chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, ấn tượng và mang lại giá trị cao. Từ đó, nâng cao thương hiệu và giá trị quốc gia thông qua việc thúc đẩy hoạt động du lịch gắn với di sản văn hóa.
Để du lịch phát triển bền vững gắn với di sản văn hóa, mang lại giá trị thương hiệu của du lịch Việt Nam, các đại biểu tham gia hội thảo đều nhấn mạnh đến chính sách, chủ trương, kế hoạch hành động khai thác giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, nghề truyền thống... phục vụ phát triển du lịch cần phải được các địa phương thật sự quan tâm, ban hành triển khai cụ thể.
Đồng thời trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa của mình, các địa phương phải ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch nói chung và khách quốc tế nói riêng.
Di sản văn hóa là trụ cột để phát triển du lịch bền vững
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng hiện nay, di sản, văn hoá của đồng bào các dân tộc đóng góp nhiều cho phát triển bền vững du lịch Việt Nam. Do vậy, cần có giải pháp để du lịch ở đây phát triển dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có của cộng đồng các dân tộc là những di sản, văn hóa, phong tục tập quán, đời sống người dân… Khi đến những địa điểm này, khách du lịch được hòa mình, trải nghiệm những hoạt động quen thuộc của người địa phương, chứ người dân không phải thay đổi để làm hài lòng du khách.
"Phát triển du lịch bền vững gắn với văn hóa cộng đồng và di sản là cách làm du lịch vừa bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, giá trị di sản văn hoá của người bản địa, vừa tránh được sự mai một giá trị truyền thống. Mà mỗi địa phương, di sản văn hóa có nét đặc trưng riêng, độc đáo là "cầu nối" hữu hiệu thu hút, phát triển du lịch bền vững", ông Siêu nói.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch cần được nâng cao về chất lượng, phát triển về số lượng đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn.
Ngoài ra, công tác xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và du lịch di sản văn hóa nói riêng phải chuyên nghiệp, hiệu quả. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phải được quan tâm, được đầu tư tương xứng tại các địa điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống.
Không có nhận xét nào