Kể chuyện làng: Ngọt lành chén canh rau ngót
Mùa này, trong bữa cơm gia đình của người Việt thường phải có món canh để giải nhiệt. Rau ngót trở thành sự lựa chọn quen thuộc để có được những chén canh mát lành, bổ dưỡng…
Chẳng ai xa lạ gì rau ngót, quen gọi là bồ ngót, thứ rau bình dị thân thương đã gắn bó mật thiết với con người từ xưa đến nay. Dù mùa mưa hay nắng, dù nơi ruộng đồng soi bãi hay nương rẫy núi đồi, đâu đâu cũng dễ dàng tìm thấy rau ngót xanh mướt vươn lên. Bồ ngót có sức sống mãnh liệt, chịu được đất cằn khô hạn, hơn nữa nó còn là thực phẩm giàu dưỡng chất, cũng là vị thuốc nam hỗ trợ điều trị có hiệu quả một số bệnh thông thường, nên rất được nhiều người yêu thích. Vì thế, nhà nào ở quê cũng trồng vài bụi rau ngót để có nấu canh, nhất là vào mùa nắng nóng.
Ký ức tôi hiện về hàng rau ngót của nhà mình thuở trước, được trồng khá dày ven lối ra vào, vừa làm hàng rào tạm nhưng chủ yếu là để lấy lá nấu canh. Mùa mưa, cha cắt cành giâm xuống đất, chẳng mấy chốc cây lớn cao, trái già tự rụng và cây con lại mọc lên. Cứ thế, hàng rau ngót càng um tùm, xanh mát qua bao năm tháng nắng mưa. Những ngày hè bỏng rát, nhìn màu xanh thẫm của lá rau giúp cho ta có cảm giác như được xoa dịu phần nào và nghĩ ngay đến chén canh rau ngót…
Nhớ những mùa cắt lúa tháng ba âm lịch, nắng đổ lửa đổ củi, má tôi vừa về đến nhà là chạy ra bụi rau ngót, tuốt một mớ lá non, hái thêm ít lá mồng tơi, cắt trái mướp trên giàn sẽ có ngay nồi canh tập tàng ngon ngọt. Nếu có tôm, tép hoặc một ít thịt băm để nấu với rau ngót thì ngọt ngon phải biết. Hồi đó khó khăn, quán chợ đường xa, bạc tiền chẳng có, nên thức ăn chủ yếu là rau trái trong vườn. Dẫu cho bí, bầu, dưa, mướp và các loại rau khác được trồng nhiều quanh nhà nhưng trước khí hậu khắc nghiệt của mùa hè, chúng nhanh tàn úa, chẳng sánh nổi với sức sống bền bỉ của rau ngót. Cây rau ngót cứ lặng lẽ, xanh um, để rồi hiến dâng vị mát lành của đời mình trong từng chén canh bình dị.
Ngôi nhà nhỏ của tôi đang ở cũng có một khoảng vườn trồng nhiều loại rau. Riêng bồ ngót đứng dọc bờ rào, cạnh giếng nước nên xanh tốt quanh năm. Buổi sớm mai ra vườn, nhìn những bụi rau ngót, lá hình bầu dục còn đọng sương láng bóng, phần đọt non mơn mởn xanh hơi vàng nhạt, tôi thích thú cắt vào cho vợ nấu canh. Cây rau ngót phải cắt thì chúng mới nứt nhiều nhánh, tước bỏ cọng và lá già, chỉ dùng lá non để nấu mới ngon. Rau ngót chẳng hề kén chọn, dù nấu với tôm, tép, thịt hay nấm, đậu đều ngon cả. Nhưng tôi thích nấu với tôm nhiều hơn. Tôm lột vỏ, băm nhuyễn, phi khử sơ qua dầu ăn có thêm ít gia vị, lá rau ngót vò hơi dập rồi bỏ vào nồi nước đang sôi, nêm nếm vừa khẩu vị là xong. Canh rau ngót chẳng cầu kì phức tạp, luôn sẵn có, dễ nấu, ngon mát, mùa nào cũng tốt nhưng hợp nhất là những ngày nắng nóng. Tôi yêu thích chén canh rau ngót không chỉ ở tính mát lành, vị ngọt mềm, nước thanh dịu của nó mà còn như được gặp lại bờ rào xưa, thềm giếng cũ, nơi đó có bóng dáng quê nhà và tuổi thơ nhiều cơ cực.
Có anh bạn từ quê ra phố sinh sống, dù đất vườn không có nhưng vẫn trồng bồ ngót trong chậu cảnh rồi gửi ảnh cho tôi, nói vừa để nấu canh vừa làm thuốc đông y. Nhìn nụ cười rạng rỡ của bạn bên những cây bồ ngót tươi xanh trên sân thượng, tôi hiểu rằng dù sống ở đâu thì nguồn mạch quê xưa vẫn luôn chảy mãi trong lòng những người con đất Việt. Đứa con trai từ Thành phố Hồ Chí Minh về thăm nhà trong mấy ngày nghỉ lễ, cũng ưa thích món canh rau ngót dân dã chốn quê.
Mỗi loại rau màu đều có vị ngon quý đặc trưng. Rau ngót không cho trái lúc lỉu như ớt như cà…nhưng lá của nó đã giúp chúng ta có được những chén canh ngọt lành, tốt cho sức khỏe. Tôi lại vun xới mảnh vườn và nâng niu những mầm cây rau ngót vừa mọc.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Không có nhận xét nào