Huyền thoại Coco Chanel từng có 1 kẻ thù khiến bà ghét cay ghét đắng, thậm chí còn cố tình làm cháy váy của đối phương
Chanel và Schiaparelli đều là hai thương hiệu nước Pháp được thành lập bởi 2 nữ huyền thoại thời trang của làng mốt thế giới: Coco Chanel - Elsa Schiaparelli. Cả hai nhà mốt đều nổi tiếng trong ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là thời trang cao cấp. Tuy vậy, phong cách cũng như ngôn ngữ thiết kế của hai founder này hoàn toàn trái ngược nhau dẫn đến hình ảnh và cảm hứng trong thời trang của hai thương hiệu chưa bao giờ có điểm chung.
Nổi tiếng với những phát ngôn ngông cuồng, cùng bản tính không sợ bất kì một ai, bà trùm Chanel đã có rất nhiều lần đụng độ với các NTK huyền thoại cùng thời như Christian Dior hay Cristóbal Balenciaga. Tuy nhiên, người được coi là "kì phùng địch thủ", không đội trời chung trong suốt suốt những năm tháng sự nghiệp phải là Elsa Schiaparelli.
Coco Chanel (trái) và Elsa Schiaparelli (phải)
Coco Chanel, NTK huyền thoại tiên phong cho hàng loạt trang phục giải phóng cơ thể phụ nữ
Coco Chanel sinh năm 1883 tại Pháp. Bà là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thời trang. Nữ NTK không chỉ thổi vào một làn gió mới cho bộ mặt thời trang từ những năm đầu của thế kỉ 20 khi thành lập thương hiệu Chanel mà những nguyên tắc thiết kế của bà còn có ảnh hưởng không nhỏ tới trang phục của thời đại ngày nay.
Coco Chanel khởi nghiệp với việc thiết kế mũ, ban đầu là để giải trí, nhưng khi nhìn thấy triển vọng kinh doanh, bà mở của hàng và bắt đầu có chút tiếng tăm. Năm 1910, bà mở cửa hàng thiết kế trang phục đầu tiên của mình và bắt đầu kỉ nguyên của thương hiệu Chanel.
Trong suốt sự nghiệp của mình, bà được người ta nhớ đến nhiều nhất với việc thiết kế những trang phục mang đến sự thoải mái, dễ chịu cho phụ nữ, đưa họ thoát khỏi những thiết kế chật chội, gò bó của corset hay váy tùng xoè của quá khứ.
Những thiết kế của Coco Chanel càng lúc càng gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Từ phong trào Little black dress – bộ đầm đen nhỏ, cho đến túi xách Chanel trứ danh. Sau cuộc cách mạng thời trang của Chanel, màu đen trở thành màu sắc gắn liền với sự quyến rũ, sang trọng và huyền bí. Không phải ngẫu nhiên mà mọi phụ nữ yêu thích màu đen. Bà còn trở thành một biểu tượng cho phong cách ăn mặc, mở đầu xu hướng về cách thức sử dụng trang sức, phụ kiện để tô điểm cho trang phục.
Elsa Schiaparelli - Huyền thoại thời trang với cảm hứng siêu thực
Cùng là một trong những nữ NTK nổi tiếng nhất của thời trang đương đại, tuy nhiên phong cách và cảm hứng thiết kế trang phục của Elsa Schiaparelli trái ngược hoàn toàn với Coco Chanel.
Elsa Schiaparelli sinh năm 1890 tại Ý, bà từng trải qua một cuộc hôn nhân chóng vánh vào năm 1920. Hai năm sau đó, bà cùng con gái chuyển tới Pháp sinh sống và thành lập nên thương hiệu mang tên mình vào năm 1927. Bà cũng là "mẹ đẻ" của chiếc quần culotte (ảnh trái).
Ngoài ra, điểm đặc biệt của trang phục thương hiệu Schiaparelli chính là form dáng cầu kì cùng cảm hứng nghệ thuật siêu thực luôn bao trùm trong mỗi thiết kế. Nữ NTK nổi tiếng với sự kết hợp của mình với danh hoạ top đầu của trường phái siêu thực - Salvatore Dalí. Trang phục của bà như “con tàu nghệ thuật” đưa người ta đến hành trình của những giấc mơ tưởng chừng là viển vông, ảo mộng.
Một vài thiết kế tiêu biểu có thể kể đến như váy tôm hùm; BST cung hoàng đạo; trang sức oversized; loạt headpiece ấn tượng,... Bà là người tiên phong sử dụng sắc hồng Fusia Pink vào trong những thiết kế của mình và đã nâng tầm ảnh hưởng lên rất nhiều NTK, người nổi tiếng khác sau này.
Elsa Schiaparelli và danh hoạ Salvatore Dalí (ảnh trái) từng là một cặp bài trùng cực nổi tiếng trong làng thời trang thập niên 30 - 40. Ngoài ra, bà là người nữ NTK đầu tiên trong lịch sử được vinh dự góp mặt trên bìa tạp chí Time năm 1934.
Cuộc chiến của 2 bà trùm làng mốt
Coco Chanel, với tính cách "không sợ trời đất" từng nhiều lần công khai chỉ trích, chê trách một số NTK cùng thời. Nhưng có lẽ, đối thủ xứng tầm nhất của bà chính là Elsa Schiaparelli. "Người tám lạng, kẻ nửa cân", hai nữ NTK đều là những người đạt rất nhiều thành công trong sự nghiệp đồng thời dẫn đầu loạt xu hướng thời trang ở thời điểm bấy giờ. Thêm vào đó, cả 2 bà trùm đều có tính cách ngang tàn, không sợ mất lòng ai, vì vậy Elsa và Coco đã từng có không ít lần "khẩu chiến" cực căng.
Khởi nguồn của mọi bất đồng nằm ở phong cách thiết kế và gu thẩm mỹ đối nghịch nhau như lửa và nước của 2 bà trùm. Người ta biết đến Chanel với kiểu dáng thanh nhã, trung tính, cùng màu sắc đen - trắng là chủ đạo (ảnh trái) thì Schiaparelli lại theo đuổi phong trào nghệ thuật siêu thực hào nhoáng nhưng đồng thời rất camp, "lố bịch" một cách sành điệu (ảnh phải)
Coco gọi Elsa là "người nghệ sĩ làm quần áo" để châm biếm background không được học hành bài bản về thời trang của đối thủ. Chẳng phải dạng vừa, Elsa "đáp lễ" lại gọi Coco là người thợ làm mũ, ám chỉ sự khởi đầu khiêm tốn của nhà thiết kế lừng danh.
Đỉnh điểm, từng có giai thoại được người ta kể lại rằng, hai nữ NTK này từng cùng nhau tham dự một lễ hội hoá trang trước khi thế chiến thứ 2 bùng nổ. Coco đã chủ động mời Elsa khiêu vũ với mình rồi dẫn đối thủ đến gần chiếc đèn chùm thắp nến khiến cho chiếc váy của bà trùm Schiaparelli bắt lửa và bốc cháy. Elsa không bị thiệt hại về thể chất, nhưng sự kiện đó đã vạch rõ ranh giới không đội trời chung giữa hai nữ nhà thiết kế.
Di sản của hai nhà mốt Haute Couture lừng lẫy ngày nay
Trong thế chiến thứ 2, cả hai thương hiệu phải tạm đóng cửa. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, làng mốt đã chứng kiến rất nhiều những tài năng kiệt xuất ghi danh trên "bảng vàng" của bản đồ thời trang như Givenchy, Dior, Yves Saint Laurent,...
Elsa Schiaparelli đóng cửa thương hiệu năm 1954 vì lạm phát, kinh doanh khó khăn và bà qua đời năm 1973 tại nhà riêng. Năm 2007, thương hiệu Schiaparelli được ông trùm kinh doanh Diego Della Valle mua lại và hồi sinh dưới sự dẫn dắt của nhà thiết kế Macro Zanini vào năm 2013. Ngày nay, dưới sự dẫn dắt của GĐST Daniel Roseberry, Maison Schiaparelli đang là cái tên hàng top đầu của giới thời trang nói chung và may đo cao cấp haute couture nói riêng.
Daniel Roseberry đã hồi sinh thương hiệu nước Pháp này một cách kì diệu, cũng như kế thừa, phát triển và đưa di sản thiết kế của nhà sáng lập Elsa Schiaparelli lên một tầm cao mới.
Ở "chiến tuyến bên kia", Chanel mở lại thương hiệu năm 1950 và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Năm 1971, Coco Chanel qua đời tại khách sạn Ritz và phải đến 12 năm sau, "ông hoàng đầu bạc" Karl Lagerfeld xuất hiện để ngồi vào chiếc "ghế nóng" lèo lái con thuyền thương hiệu này.
Chanel, suốt 36 năm dưới thời Karl Lagerfeld (từ 1983 đến 2019), liên tục lập cú hit lớn trong lòng giới mộ điệu.
Tuy nhiên ngày nay, Chanel vấp phải vô số tranh cãi xung quanh những sáng tạo thiếu đột phá cùng phong độ thất thường của Giám đốc Nghệ thuật Virginie Viard.
Ngày 28/6 tới đây, nữ NTK này sẽ trình làng BST haute couture cuối cùng của mình tại Chanel và cái tên tiếp theo được chọn để kế thừa cũng như viết tiếp di sản của Coco Chanel hiện vẫn đang là ẩn số. Bên cạnh đó, Schiaparelli cũng là cái tên khiến người ta mong chờ bởi các BST haute couture của nhà mốt này luôn là thứ gì đó rất bí ẩn, khó đoán và dễ khiến giới mộ điệu phải "wow".
Không có nhận xét nào