Chuyện Trung Quốc "phong sát" nghệ sĩ: "Án oan" của Trương Triết Hạn (Bài 1)
Theo quyết định số 512 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, từ tháng 10/2023 sẽ áp dụng các hạn chế đối với các nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, làm trái đạo đức và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Những hạn chế này bao gồm cấm phát sóng, biểu diễn và quảng cáo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đánh giá cao quyết định này. Bà cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thiết lập quy trình xử lý các trường hợp vi phạm trong thời gian sớm nhất. Theo bà, đây là một trong những cơ chế chế tài có tính hiệu quả cao.
"Cancel Culture" hay còn gọi là "văn hóa tẩy chay" là khái niệm quen thuộc ở phương Tây. Từ điển Merriam-Webster định nghĩa nó là "hành động hoặc có xu hướng tham gia vào việc tẩy chay hàng loạt như một cách thể hiện sự không tán thành và gây áp lực xã hội". Mặc dù, không phải là không có tranh cãi, nhưng cốt lõi của văn hóa tẩy chay phương Tây là mong muốn của công chúng nói chung, buộc các nhân vật của công chúng phải chịu trách nhiệm về hành động của họ. Nó được thúc đẩy bởi cảm xúc của công chúng và được hành động ban đầu bởi các cá nhân, sau đó tập hợp thành một tập thể.
Văn hóa tẩy chay người nổi tiếng đang phát triển ở Trung Quốc và động lực của nó không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ tâm lý xã hội. Với sự can thiệp của cơ quan quản lý, người nổi tiếng vi phạm sẽ bị cấm sóng, cấm xuất hiện tại các sự kiện, chương trình giải trí, thậm chí là xóa bỏ toàn bộ hình ảnh, tác phẩm và tên của người đó trên phương tiện truyền thông. Việc này được gọi là "phong sát".
Năm 2021, dư luận Trung Quốc chứng kiến một loạt các ngôi sao nổi tiếng bị "phong sát", bao gồm nam diễn viên Ngô Diệc Phàm, nữ diễn viên Trịnh Sảng, ngôi sao điện ảnh Triệu Vy... Tuy nhiên, những người quan tâm tới văn hóa tẩy chay tại Trung Quốc và thế giới quan tâm tới vụ việc của Trương Triết Hạn.
Trương Triết Hạn là ngôi sao nổi lên từ khi tham gia bộ phim đam mỹ ăn khách "Sơn Hà Lệnh". Khác với những ngôi sao như Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn trước khi bị "phong sát" không vi phạm pháp luật.
"Phong sát" tại Trung Quốc: "Án oan" của Trương Triết Hạn
Vào tháng 8/2021, Trương Triết Hạn bị "phong sát" vì những bức ảnh được chụp ở khu vực công viên mở của Đền Yasukuni của Nhật Bản. Vào ngày 21/3/2022, Đền Yasukuni vẫn được truyền thông nhà nước Trung Quốc giới thiệu là địa điểm tuyệt vời để ngắm hoa anh đào.
Đối với nhiều người Trung Quốc, đền Yasukuni là địa danh gây tranh cãi vì nó tôn vinh những binh lính Nhật Bản tham gia Thế chiến thứ hai, bao gồm cả vụ thảm sát Nam Kinh. Các chuyến viếng thăm hàng năm của các Thủ tướng Nhật Bản tại ngôi đền này liên tiếp bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc (MFA) và các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc lên án mạnh mẽ.
Năm 2002, thông tin nhà làm phim nổi tiếng người Trung Quốc Khương Văn từng đã tới đây để khảo sát, tìm tư liệu cho bộ phim "Quỷ dữ trước cửa", từng giành đề cử Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes năm 2000 gây xôn xao dư luận. Khương Văn nhanh chóng bị gán cho là "không yêu nước" và là "kẻ phản bội", nhưng nhiều trí thức, nhà văn và đạo diễn nổi tiếng đã đứng ra bảo vệ ông. Guo Weitao, một Đại tá cấp cao của Văn phòng Nghiên cứu và Giảng dạy Chiến lược tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nhận xét: "Thật thiếu hiểu biết khi đánh đồng việc bất kỳ công dân Trung Quốc nào đến thăm đền Yasukuni là một hành động phản quốc".
Bai Yansong, một người dẫn chương trình nổi tiếng của Đài truyền hình nhà nước CCTV, cho biết: "Việc thờ cúng tại đền Yasukuni tuân theo một thủ tục nghiêm ngặt và phức tạp. Ngoại trừ những người theo chủ nghĩa quân phiệt, hầu hết những người đến thăm đền Yasukuni đều không ở đó để cúng bái". Bình luận của họ không chỉ cho thấy thái độ của họ đối với việc viếng thăm ngôi đền, mà còn cho thấy sự cởi mở của Internet Trung Quốc cách đây hơn 20 năm.
Ngược lại, khi những bức ảnh của Trương Triết Hạn xuất hiện trên mạng xã hội, thông tin sai lệch cho rằng anh đã đến thăm hoặc thậm chí cúng bái tại ngôi đền gây tranh cãi đã lan truyền rộng rãi. Trương Triết Hạn lên tiếng phủ nhận những cáo buộc này và đưa ra lời xin lỗi vì không biết tầm quan trọng của cảnh quan nơi anh chụp ảnh.
Tuy nhiên, thông tin sai lệch vẫn tiếp tục lan truyền và Trương Triết Hạn, giống như Khương Văn, cũng bị buộc tội là "không yêu nước". Nhưng sự cố của Trương Triết Hạn đã xảy ra trong thời đại truyền thông bùng nổ, văn hóa internet giờ đây cũng độc hại hơn xưa. Một số ít người lên tiếng bênh vực cho anh, bao gồm cả Giáo sư Yin Hong của Đại học Thanh Hoa nhưng nhanh chóng bị phản đối và xóa tài khoản mạng xã hội.
Việc "phong sát" Trương Triết Hạn diễn ra nhanh chóng, trong vòng vài ngày, tên của anh, tài khoản mạng xã hội và tất cả nội dung liên quan (từ phim truyền hình đến nội dung do người hâm mộ tạo) hầu như bị xóa khỏi mọi nền tảng phát trực tuyến và trang mạng xã hội của Trung Quốc. Trong khi đó, bộ phim "Quỷ dữ trước cửa" của Khương Văn, phát hành năm 2000, vẫn được đánh giá cao và sự nghiệp của đạo diễn này không bị ảnh hưởng.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào