"Không nên dùng từ phong sát, cấm sóng với nghệ sĩ Việt"
Chiều 19/4, Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ". Sự kiện mong muốn lan tỏa thông điệp về việc chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên không gian mạng xã hội, trong hoàn cảnh Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (theo khảo sát của Microsoft).
Tại sự kiện, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: Các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng phải được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện tại, Bộ VHTTDL, Bộ Công an và Bộ TT&TT đang cùng làm việc nhằm đưa ra những biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử của nghệ sĩ. Việc quản lý nhà nước được thực hiện thông qua các văn bản pháp quy, triển khai, giám sát, thậm chí áp dụng quy định pháp luật.
Ông Trần Hướng Dương cũng cho rằng, không nên dùng từ "phong sát", "cấm sóng" đối với nghệ sĩ Việt: "Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước. Chúng tôi có nghiên cứu, tham khảo cách làm việc của nước ngoài nhưng áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn".
Tham dự sự kiện, người mẫu Hạ Vy cho rằng, cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ với những nghệ sĩ có lối ứng xử không phù hợp thuần phong mỹ tục trên không gian mạng: "Chúng ta hoàn toàn có thể bỏ luôn tài khoản mạng xã hội đó. Đương nhiên, sau khi xóa tài khoản này họ có thể lập tài khoản khác, nhưng việc bị khóa nhiều lần sẽ khiến nghệ sĩ biết tiết chế hơn, sau đó họ phải thay đổi hành vi ứng xử". Hạ Vy cũng đồng tình rằng, hành động, ứng xử của nghệ sĩ có tác động mạnh mẽ tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Diễn viên Hàn Trang (Nhà hát Tuổi Trẻ) cho biết: "Là một nghệ sĩ trẻ, tôi hiểu rất rõ rằng, người nghệ sĩ cần lan tỏa điều tích cực, tạo tác động tốt tới công chúng. Tuy nhiên, khi nghệ sĩ phạm lỗi thì đã phải nhận sự quay lưng của công chúng, nhiều người còn bị pháp luật xử lý. Vì vậy, theo tôi, nếu thêm cả "phong sát", cấm sóng nữa thì "hơi nặng nề".
Trước đó, vào ngày 31/3, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký Quyết định về việc ban hành Kế hoạch hành động cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, gồm một nhiệm vụ liên quan quản lý người nổi tiếng trên mạng. Theo văn bản, Cục Phát thanh, Truyền hình sẽ phối hợp Cục Nghệ thuật Biểu diễn soạn thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm, trái với thuần phong mỹ tục. Quyết định này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công chúng. Không ít ý kiến trên mạng xã hội kêu gọi "cấm sóng", "phong sát" các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, hoặc vi phạm thuần phong mỹ tục quá nhiều lần.
Không có nhận xét nào