“Giọng đọc huyền thoại” Lê Chức gây kinh ngạc với siêu phẩm cải lương “Mê Đê” ở tuổi 76
Mê Đê là vở bi kịch kinh điển của Euripide (480 – 406 TCN), một trong ba nhà viết kịch lớn của Hy Lạp cổ đại bên cạnh Eschyle và Sophocle. Ông viết vở kịch này cách nay 2600 năm, thời kỳ trước Công nguyên. Vở kịch từng được rất nhiều nhà hát trên thế giới đưa lên sân khấu dưới nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau với hàng nghìn suất diễn.
Ở Việt Nam, năm 2016, tác giả Lê Chí Trung và NSND Trần Ngọc Giàu đã cùng bắt tay dàn dựng lại vở này cho sân khấu Nhà hát Thế giới Trẻ để tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần III/2016 tại Hà Nội. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên vở diễn được thể hiện dưới hình thức cải lương và do một nghệ sĩ cải lương "thứ thiệt" dàn dựng.
Câu chuyện của vở cải lương Mê Đê bắt đầu từ việc, sau khi lấy được bộ lông cừu vàng đem về kinh thành Lolcos, giúp Jadong trả thù vua Pélias, Mê Đê phải cùng Jadong và hai con chạy đến vương quốc Coranh ẩn thân. Tại đây, Jadong vì muốn khôi phục địa vị đã phản bội, ruồng bỏ Mê Đê, lấy công chúa, con vua Creong trị vì Coranh.
Biết Mê Đê là người đàn bà thông minh nhưng tâm địa độc ác, để bảo vệ bản thân và con gái, vua Creong quyết định đuổi mẹ con Mê Đê ra khỏi xứ sở của mình. Và chỉ 1 ngày ở lại theo ân huệ của nhà vua, Mê Đê đã làm nên một tấn bi kịch mà ngàn đời sau nhân loại còn kinh sợ. Người phụ nữ vốn xinh đẹp, kiêu sa như hóa dại, cuồng vọng với âm mưu trả thù những người đã làm cho nàng đau khổ. Kết quả, đức vua và công chúa trúng độc mà chết. Cô cũng tự tay đâm chết hai con mình, kết thúc những khổ đau.
Khi đưa tác phẩm kinh điển này lên sân khấu cải lương, đạo diễn Lê Chức đã tôn trọng tối đa tính nguyên bản của tác phẩm. Vở diễn được dàn dựng tối giản với bục và những dải lụa nhiều màu, cho thấy màu sắc của văn hoá Hy Lạp cổ đại. Các diễn viên mặc phục trang trắng giản đơn, có thêm khăn choàng làm điểm nhấn giúp hóa thân vào các nhân vật của thế giới Hy Lạp cổ đại.
Trước đó, khi Nhà hát Cải lương Việt Nam quyết định dàn dựng vở Mê Đê đã có không ít ý kiến băn khoăn bởi bản thân kịch cổ điển chuyển sang kịch nói đã khó, đằng này, kịch bản nguyên gốc được chuyển sang kịch thơ, rồi chuyển tiếp sang kịch bản cải lương... Qua nhiều lần chuyển ngữ sẽ khó khăn để có thể làm dung hòa mọi thứ cho thật chuẩn chỉnh. Vậy mà khi Mê Đê trình diễn, ê-kíp sáng tạo đã thực sự tạo bất ngờ khi mang tới một phiên bản cải lương không những đảm bảo trọn vẹn giá trị của tác phẩm bi kịch gốc mà còn khiến cho Mê Đê trở nên mới mẻ, sang trọng và thấm đẫm giá trị nhân văn.
Sau 20 năm ẩn mình với vai trò đạo diễn, NSƯT Lê Chức mới trở lại với vị trí này và lại về chính nơi mà ông đã làm Giám đốc. Nhiều người gọi đây là cú "lội ngược dòng" của "giọng đọc huyền thoại" bởi không ai nghĩ ở tuổi gần bát thập lai hy ông vẫn làm được những điều không ai làm được.
Vở diễn Mê Đê gây kinh ngạc cho giới chuyên môn lẫn khán giả
Tác giả Hoàng Thanh Du chia sẻ rằng: "Chờ đợi, háo hức và hồi hộp... cuối cùng tôi cũng được xem và lặng nghe Mê Đê của Euripide phiên bản cải lương. Trước đó, nói thật là tôi chưa tin vở diễn sẽ thành công bởi bằng ngôn ngữ kịch nói (với thoại) đã khó nay lại chuyển thể sang cải lương thì tôi sợ cái tiết tấu dồn dập của các sự kiện trong Mê Đê sẽ bị mất đi ... Bởi vì nguyên tác kịch bản Mê Đê kể từ khi ra đời đã là một vở bi kịch kinh điển về sự phản bội, lòng tham, ghen tuông và cuộc trả thù trong sân hận, bi thảm. Ấy vậy mà khi xem Mê Đê phiên bản cái lương tôi lại rất thích thú. Cái đầu tiên là thấy biên tập, cắt ngắn gọn câu chuyện thật hợp lý.
Thời lượng vừa đủ để xâu chuỗi các sự kiện, giữ được tiết tấu của các sự kiện... Cái thứ hai là tôi rất tâm đắc với cách chuyển thể vào các bài bản cải lương, vẫn giũ được ngôn ngữ cổ nguyên tác mà tác giả Mê Đê đã viết. Đạo diễn lại rất biết dấu những dàn dựng của mình đi sau những trang trí đơn giản nhưng vẫn ra được cái "hoành tá tràng". Âm nhạc và múa vừa đủ và đúng chỗ không bị thừa... Đạo diễn Lê Chức đã dùng võ công thâm hậu nhưng khiêm nhường, không phô trương".
Vở diễn huy động hai kíp diễn với những diễn viên tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam: Ninh Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Hà (Vai Mê Đê), Nguyễn Minh Hải, Trần Ngọc Tuấn (vai Ja Dông – Chồng Mê Đê), Quách Xuân Thông, Lê Xuân Hùng (vai Creong, Vua xứ Coranh), Cù Đức Hảo, Nguyễn Văn Đáng (vai Ê Giê, vua xứ Aten)…
Để diễn tả thành công một vai diễn trong bi kịch kinh điển đã là một thử thách đối với một người diễn viên, đằng này khi vở kịch chuyển thể sang cải lương đòi hỏi người diễn viên vừa phải diễn và ca, cái khó sẽ lại càng khó hơn nhưng có thể thấy sự tự tin, chắc nghề của dàn nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam, sự đóng góp của các nghệ sĩ vào vở diễn không hề nhỏ.
Đáng kể tới vai Mê Đê, nhân vật trung tâm của vở do nghệ sĩ Như Quỳnh thể hiện ở những suất diễn đầu tiên đã thật sự khiến khán giả và bạn nghề khâm phục. Nàng Mê Đê của Như Quỳnh trông mảnh mai, thậm chí rất mong manh nhưng lại vô cùng cứng rắn, mãnh liệt. Như Quỳnh đã thực sự bùng cháy và thổi sinh khí để có một Mê Đê thành công trên sân khấu cải lương.
Khán giả dõi theo từng trạng thái biến đổi tâm lý của Mê Đê từ yêu thương cho tới thù hận, hiểu được sâu thẳm nội tâm của Mê Đê qua từng ánh mắt, cử chỉ. Hiểu được nỗi đau của người phụ nữ bị chồng phụ bạc, để rồi giằng xé nội tâm để quyết định đi đến tội ác khủng khiếp nhất của người mẹ đó là giết con. Mê Đê không chấp nhận chỉ là trò chơi để người chồng cợt nhả, ruồng rẫy...
Được biết, ngay sau đêm công diễn đầu tiên, vở cải lương Mê Đê tiếp tục biểu diễn phục vụ đoàn thể thao khuyết tật tham gia Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 tại Campuchia vào tối 12/4 tại Rạp Nhà hát Chèo Việt Nam và biểu diễn phục vụ thầy và trò Học viện Hành chính Quốc gia vào ngày 15/4.
Không có nhận xét nào