Tranh cãi về màu sơn mới của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo: Chưa nên vội vã chê bai?
Nên phục dựng cả khuôn viên hoàn chỉnh
Những ngày qua, việc bảo tồn, sửa chữa căn biệt thự Pháp cổ ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận. Đây là căn biệt thự có tổng diện tích 993 m2, trong đó mặt sàn 400 m2. Công trình nằm tại góc ngã tư Hàng Bài - Trần Hưng Đạo, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20.
Tháng 4/2022, dự án trùng tu căn biệt thự được khởi công với chi phí khoảng 14 tỷ đồng. Sau một năm, diện mạo mới của ngôi biệt thự đang gây xôn xao, không ít ý kiến nhận định màu vôi đỏ trên nền vàng đang sử dụng là quá rực rỡ, thiếu tính thẩm mỹ.
Trao đổi với PV Dân Việt, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Dự án bảo tồn, sửa chữa căn biệt thự Pháp cổ số 49 Trần Hưng Đạo khẳng định quyết tâm lớn của UBND Thành phố Hà Nội trong việc phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử - kiến trúc tại khu biệt thự cũ của Hà Nội.
"Trong quỹ di sản đô thị của Thành phố Hà Nội, các biệt thự Pháp và các công trình công cộng xây dựng trước năm 1954 là những di sản đặc trưng. Đây là biểu tượng của sự hội nhập, của văn hoá truyền thống Hà Nội, cũng là dấu ấn của cả quá trình phát triển. Biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo là công trình được nghiên cứu bởi rất nhiều chuyên gia trong nước, nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, trước khi trở thành biệt thự đầu tiên được đưa vào trùng tu, sửa chữa. Có thể nói, việc đưa ra danh mục các biệt thự cần tôn tạo là quyết tâm lớn nhất trong việc gìn giữ, tạo lập bản sắc riêng của Hà Nội, không chỉ tôn vinh quá khứ mà còn để lại di sản cho thế hệ mai sau", kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, việc Thành phố Hà Nội chọn căn biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo để đưa vào trùng tu là hoàn toàn hợp lý, bởi đây là biệt thự nằm ở vị trí đặc biệt (ngã tư đường) – nơi khởi nguồn của cả một tuyến phố mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Không những vậy, địa điểm này còn gắn với nhiều dấu ấn văn hoá truyền thống của Hà Nội. Trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công đã làm nghiêm túc, tỉ mỉ, nhằm giữ được những nét nguyên bản trong kiến trúc.
Trước những ý kiến về màu sơn mới của ngôi biệt thự, ông Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, băn khoăn của người dân là dễ hiểu.
"Màu sắc của công trình kiến trúc rất quan trọng. Đây là yếu tố tác động trực tiếp, mang tới những cảm quan đầu tiên cho một cộng đồng dân cư. Từ năm 2008, hội thảo "Văn hoá kiến trúc Pháp" đã từng được tổ chức, trong đó chủ đề màu sắc kiến trúc truyền thống Pháp được sử dụng trong các công trình tại Việt Nam đã được đưa ra trao đổi. Dễ thấy, khi sang đây, màu sắc sẽ có những thay đổi, điển hình là tại các công trình như Bảo tàng lịch sử và Trụ sở Bộ Ngoại giao, màu sắc đều nhạt đi nhằm phù hợp với khí hậu nóng ẩm".
Ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, màu sơn mới của ngôi biệt thự 49 Trần Hưng Đạo không có vấn đề về nguyên lý, nhưng nên cân nhắc độ đậm nhạt, nếu nói sau này màu sơn sẽ nhạt đi thì cụ thể là tới khi nào? Ông cũng mong muốn thành phố quyết tâm phục dựng hoàn chỉnh khuôn viên xung quanh bao gồm kiến trúc cảnh quan, cây xanh, tường rào xung quanh, như vậy mới có thể tạo nét đẹp hoàn chỉnh cho địa điểm quan trọng này.
Dư luận đang có phần vội vã khi chỉ trích?
Trong khi đó, chia sẻ với PV Dân Việt, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, người từng dành nhiều thời gian nghiên cứu về quỹ "nhà Tây" tại Hà Nội nhận định, dư luận đang có phần vội vã khi đánh giá màu sơn mới tại biệt thự 49 Trần Hưng Đạo: "Tôi cho rằng màu sơn có thể hơi lạ một chút so với thẩm mỹ ở thời điểm hiện tại. Thế nhưng cần nhìn nhận một thực tế rằng, kiến trúc sư người Pháp trùng tu công trình đã rất tâm huyết và cẩn trọng, họ có nghiên cứu, khảo cổ bóc tách các lớp sơn vữa ra chứ không phải tự dưng đem sơn màu đỏ.
Đương nhiên, quá trình làm họ cần có thời gian để thử nghiệm các màu sắc. Theo tôi hiểu, đây là công trình kiến trúc đầu tiên trùng tu theo tiêu chuẩn của Pháp, cũng bởi vậy họ cố gắng tôn trọng nguyên gốc của toà nhà nhất có thể".
Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng cho rằng, nên tôn trọng chuyên gia, những kiến trúc sư bảo tồn công trình: "Những kiến trúc sư tham gia trùng tu đều rất có kinh nghiệm, có khả năng và có quan điểm rõ ràng là tôn trọng di tích gốc, điển hình như KTS Hoàng Phương. Anh ấy đã trùng tu nhiều công trình kiến trúc cổ của quận Hoàn Kiếm, trong đó công trình gần đây nhất là số 22 Hàng Buồm…
Tại ngôi nhà số 49 Trần Hưng Đạo, họ sẽ trưng bày những câu chuyện lịch sử của nhà trong sự biến đổi của đô thị Hà Nội chứ không đơn thuần xấu, đẹp. Việc dư luận đang nhìn qua vài tấm ảnh và chỉ trích là hơi nóng vội, so với tâm huyết trong thời gian dài của họ".
"Việc sử dụng màu đỏ trang trí xen kẽ màu tường vàng rất phổ biến trong kiến trúc thời thuộc địa, nhiều thành phố khác tại khắp Việt Nam đều sử dụng tường vàng, thẻ gạch đỏ trang trí, điều này khá bình thường. Nếu cảm thấy cần thiết thì chúng ta có thể thay đổi màu sơn, việc này không hề khó bởi tất cả vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Hãy cứ bình tĩnh để các chuyên gia làm", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đưa ra ý kiến.
Căn biệt thự ở số 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài (Hà Nội) được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Dự án trùng tu công trình này được khởi công vào tháng 4/2022 với mức đầu từ gần 15 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào